Lạm phát dai dẳng tiếp tục gây sức ép cho nền kinh tế Nhật Bản

Tháng Bảy đánh dấu tháng thứ 23 lạm phát tăng liên tiếp, cũng như tháng thứ 16 liên tiếp lạm phát cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra.
Lạm phát dai dẳng tiếp tục gây sức ép cho nền kinh tế Nhật Bản ảnh 1Gian hàng rau củ quả tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 18/8, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát chính của nền kinh tế - đã tăng 3,1% trong tháng Bảy so với năm trước. Nguyên nhân phần lớn do giá hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản, trong tháng Bảy, nếu không tính các mặt hàng năng lượng trong rổ hàng hóa thì mức tăng CPI thực tế sẽ là 4,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Nguyên nhân do giá thực phẩm và hàng tiêu dùng lâu bền lần lượt tăng 9,2% và 6%, giá địa điểm lưu trú tăng 15,1% trong mùa du lịch Hè.

[Nhật Bản: Tiền lương thực tế của người lao động tiếp tục giảm]

Giá dịch vụ cũng tăng, với phí khách sạn và phí liên lạc di động tăng lần lượt 15,1% và 10,2% trong tháng.

Tuy nhiên, giá năng lượng đã giảm 8,7% trước các khoản trợ cấp hóa đơn hộ gia đình của chính phủ trong khi hóa đơn tiền điện giảm 16,6%.

Tháng Bảy đánh dấu tháng thứ 23 lạm phát tăng liên tiếp, cũng như tháng thứ 16 liên tiếp lạm phát cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đề ra.

Lạm phát tiêu dùng của Nhật Bản đạt mức cao nhất trong 41 năm là 4,2% vào tháng 1/2023 khi các doanh nghiệp chuyển chi phí nguyên liệu thô, đóng gói và vận chuyển vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Đồng yen yếu hơn cũng đã đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao, làm tăng giá cả tiêu dùng.

Chuyên gia Daisuke Iijima từ Teikoku Databank dự báo giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, lưu ý rằng thường các nhà sản xuất chỉ công bố thông tin tăng giá sau khoảng 2-3 tháng điều chỉnh thực tế.

Giá năng lượng đang hạ nhiệt, nhưng các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ chấm dứt vào tháng Chín, làm dấy lên lo ngại rằng chi phí năng lượng sau đó có thể tăng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.