Nhật Bản hỗ trợ 7 tỷ USD để phát triển tiểu vùng sông Mekong

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố sáng kiến viện trợ 7 tỷ USD trong ba năm tới nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Nhật Bản hỗ trợ 7 tỷ USD để phát triển tiểu vùng sông Mekong ảnh 1 Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) tiếp kiến Thủ tướng Thái Lan Chan-O-Cha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida đang ở thăm Thái Lan đã công bố sáng kiến viện trợ 750 tỷ yen (tương đương 7 tỷ USD) trong ba năm tới nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực hạ nguồn sông Mekong, bao gồm các nước tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Lào và Thái Lan.

Phát biểu tại Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok, ông Kishida đánh giá cao tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á đối với Nhật Bản.

Thông qua hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, sáng kiến trên sẽ giúp tăng cường “sự kết nối” giữa các nước Đông Nam Á và Nhật Bản.

Ông Kishida nhấn mạnh thúc đẩy dòng hàng hóa và con người nhờ kết nối khu vực này thông qua các công trình giao thông là điều thiết yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cho biết thêm hợp tác của Nhật Bản sẽ không chỉ dừng lại ở xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, trong ba năm tới, nước này sẽ sử dụng nguồn viện trợ trên vào việc hợp tác với các nước ở khu vực sông Mekong. Bộ trưởng Kishida không nêu cụ thể, song cho biết Nhật Bản mong muốn hợp tác với các nước này nhằm tạo ra một khuôn khổ hỗ trợ nhiều nỗ lực khác nhau, trong đó có các vấn đề khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, ông Kishida một lần nữa kêu gọi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và nhấn mạnh chỉ có thể đạt được sự phồn thịnh nếu có hòa bình và ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với nhiều vấn đề về chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, đồng thời kêu gọi các nước cần cùng nhau đối phó những thách thức này cũng như duy trì ổn định trong khu vực.

Cùng ngày 2/5, Bộ trưởng Kishida đã gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, trong đó hai bên thảo luận về tiến trình chính trị của Thái Lan, mối đe dọa khủng bố trong khu vực và những thách thức về kinh tế.

Sau Trung Quốc, Thái Lan là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du kéo dài tám ngày của Ngoại trưởng Kishida. Tiếp theo, ông sẽ đến thăm Myanmar, Lào và Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.