Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã nâng dự báo về kinh tế nước này khi dùng từ "tăng trưởng" lần đầu tiên kể từ năm 2008, nhưng vẫn duy trì các biện pháp nới lỏng tiền tệ đồng thời hạ dự báo về lạm phát trong tài khóa 2017.
Trong báo cáo theo quý công bố ngày 27/4, BOJ cho biết nền kinh tế Nhật Bản đang chuyển sang tăng trưởng ở mức vừa phải nhờ kinh tế toàn cầu tăng trưởng và nhu cầu trong nước phục hồi.
BOJ dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,6% trong tài khóa 2017 (kết thúc vào tháng 3/2018), và tăng 1,3% trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019) so với mức dự báo đưa ra hồi tháng Một lần lượt là 1,5% và 1,1%.
Ngoài ra, BOJ đã hạ dự báo về mức lạm phát hàng năm khi thừa nhận những khó khăn trong nỗ lực thúc đẩy giá tiêu dùng tăng.
[Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 4 quý liên tiếp nhờ xuất khẩu mạnh]
Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách của BOJ đã hạ dự đoán lạm phát xuống còn 1,4% trong tài khóa 2017, từ mức dự báo 1,5% trước đó.
Dựa trên đánh giá những rủi ro tiêu cực tác động tới giá cả như tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực Đông Á, các nhà kinh tế cho rằng dự báo về mức lạm phát của BOJ là quá lạc quan.
Phát biểu với các phóng viên, Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ không giảm bớt chương trình nới lỏng tiền tệ cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát là 2% - mức được cho là mang tính quyết định để chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm qua và đưa nền kinh tế đình trệ của Nhật Bản trở lại ổn định.
BoJ đã buộc phải lùi thời hạn đạt mục tiêu lạm phát 2% đến tháng 3/2019, chậm hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.
Thống đốc Kuroda đưa ra tuyên bố hạ mục tiêu lạm phát trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất khi có đồn đoán cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét đến việc rút lại gói kích thích kinh tế bằng cách ngừng mua trái phiếu ồ ạt hoặc nâng phí vay mượn hiện đang ở mức thấp kỷ lục./.