Nhật Bản lập nhóm cố vấn cho quyết sách tăng thuế tiêu dùng

Chính phủ Nhật Bản ngày 29/10 khẳng định sẽ tham khảo ý kiến nhóm cố vấn trước khi quyết định có tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 10/2015 theo kế hoạch hay không.
Nhật Bản lập nhóm cố vấn cho quyết sách tăng thuế tiêu dùng ảnh 1Dây chuyền sản xuất xe của Toyota tại nhà máy ở thành phố Toyota, quận Aichi, miền trung Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản ngày 29/10 khẳng định sẽ tham khảo ý kiến nhóm cố vấn được thành lập từ việc tập hợp các chuyên gia các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận trước khi quyết định có tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 10/2015 theo kế hoạch hay không.

Nhóm cố vấn này sẽ thu thập ý kiến từ khoảng 40 chuyên gia kinh tế tại hàng loạt các hội nghị từ ngày 4-18/11 trước khi báo cáo kết quả thảo luận lên Thủ tướng Shinzo Abe.

Thủ tướng Abe - vốn từng cam kết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề thuế vào cuối năm nay, chủ trương sẽ đưa nhóm cố vấn này đi vào hoạt động trước ngày 17/11, thời điểm các dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ của quý ba bắt đầu được công bố.

Các chuyên gia được cho là sẽ trao đổi quan điểm về việc đợt tăng thuế tiếp theo sẽ tác động ra sao đến chính sách Abenomics, chính sách được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản thoát khỏi gần hai thập kỷ giảm phát và hồi sinh kinh tế vùng, cũng như các biện pháp mà chính phủ cần thực hiện nhằm ngăn chặn những nguy cơ gây tổn thương nền kinh tế nếu áp dụng tăng thuế lần hai.

Quốc vụ khanh phụ trách chính sách kinh tế Amari khẳng định quan điểm của các chuyên gia cố vấn sẽ trở thành “một trong những nhân tố quan trọng để đưa ra quyết định cuối cùng."

Ông Amari, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda sẽ tham dự nhóm cố vấn này trong khi Thủ tướng Abe không có ý định tham gia.

Trong số những người tham dự một trong năm cuộc họp gồm có Chủ tịch hãng Honda Motor Fumihiko Ike, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Akio Mimura, và hai cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Abe về các vấn đề kinh tế, ông Etsuro Honda và ông Koichi Hamada - những người kêu gọi ngừng tăng thuế.

Chính quyền Abe đã mở một nhóm cố vấn tương tự trong khoảng một tháng trước khi chính thức tuyên bố hồi tháng 10/2013 rằng Nhật Bản sẽ tăng thuế tiêu dùng thêm 3% lên mức 8% theo kế hoạch vào ngày 1/4.

Việc tăng thuế tiêu dùng nhằm bù đắp cho các chi phí an ninh xã hội đang ngày một phình to do tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản. Tình hình tài chính của Nhật Bản hiện ở mức tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển với nợ công chiếm tới hơn 200% GDP. Trên bình diện quốc tế, Tokyo cam kết tiến hành tăng thuế tiêu dùng để thúc đẩy phục hồi nền tài chính.

Tuy nhiên, một số nghị sỹ và các quan chức chính phủ gần đây thúc giục ông Abe từ bỏ quyết định tăng thuế lần hai do dữ liệu kinh tế cho thấy lần tăng thuế đầu tiên đã ảnh hưởng đáng kể đến mức cầu nội địa.

Kinh tế Nhật Bản suy giảm thực tế 7,1%/năm trong ba tháng đầu tài khóa 2014, mức thụt lùi tồi tệ nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2009 - thời điểm nền kinh tế rớt 15% sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Dư luận tin rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ buộc phải đưa ra ngân sách bổ sung cho tài khóa hiện nay tính đến tháng 3/2015 với nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang ì ạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.