Ngày 6/10, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ ký Bản ghi nhớ về việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong tình huống khẩn cấp với một công ty năng lượng lớn của Italy.
Động thái diễn ra trong bối cảnh quan ngại gia tăng về nguồn cung năng lượng khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài và căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Cụ thể, Nhật Bản sẽ mua khí LNG từ tập đoàn năng lượng Eni có trụ sở tại Rome, thông qua Tổ chức An ninh Năng lượng và Kim loại Nhật Bản, theo thỏa thuận giữa chính phủ hai nước. Chính phủ Italy có cổ phần trong Eni.
Hai bên hiện chưa quyết định chi tiết về khối lượng giao dịch và giá cả.
Nhật Bản đã tăng cường nhập khẩu khí LNG để vận hành các nhà máy nhiệt điện khi các nhà máy điện hạt nhân phải ngừng hoạt động do sự cố Fukushima năm 2011.
Giá LNG thế giới đã tăng kể từ khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, làm tăng chi phí điện và khí đốt.
Bên cạnh đó, xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel ở Dải Gaza đang lan rộng ra khu vực cũng làm gia tăng lo ngại về khả năng giao thương qua Eo biển Hormuz bị phong tỏa.
Đây là một trong những tuyến đường quan trọng để vận chuyển LNG, kết nối với những nước xuất khẩu hàng đầu là Qatar và Saudi Arabia.
Mặc dù lượng LNG từ Trung Đông chỉ chiếm 10% tổng LNG nhập khẩu của Nhật Bản, những diễn biến gây gián đoạn thị trường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả và các thủ tục nhập khẩu vào nước này./.
Nhu cầu khí đốt tự nhiên trên thế giới sẽ tăng mạnh trong những năm tới
Các nhà phân tích cho biết thế giới có thể cần thêm tới 8,5 tỷ feet khối (khoảng 240 triệu m3) khí đốt tự nhiên mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu gia tăng mạnh trong nửa cuối thập niên này.