Nhật Bản mong muốn Anh có quan hệ thương mại không rào chắn với EU

Đại sứ Nhật Bản tại Anh Koji Tsuruoka ngày 21/2 khẳng định Nhật Bản mong muốn Anh có quan hệ thương mại không rào chắn với EU sau Brexit; nhấn mạnh các bên cần tránh viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.
Nhật Bản mong muốn Anh có quan hệ thương mại không rào chắn với EU ảnh 1Đại sứ Nhật Bản tại Anh Koji Tsuruoka. (Nguồn: uk.emb-japan.go.jp)

Đại sứ Nhật Bản tại Anh Koji Tsuruoka ngày 21/2 khẳng định Nhật Bản mong muốn Anh có quan hệ thương mại không rào chắn với Liên minh châu Âu (EU) sau khi rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tránh viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.

Phát biểu tại London ngày 21/2, Đại sứ Tsuruoka cho biết các công ty Nhật Bản đang tìm cách mở rộng đầu tư tại Anh nhưng đang hoãn lại do sự bất ổn liên quan đến Brexit.

Tuy nhiên, ông Tsuruoka cho rằng quyết định đóng cửa nhà máy ở Anh mới đây của hãng sản xuất ôtô Honda không liên quan đến Brexit.

Về tiến trình đàm phán thỏa thuận Brexit hiện nay, Đại sứ Tsuruoka nêu rõ: "Chúng tôi nhất trí rằng cần phải duy trì hoạt động thương mại thông suốt. Tuy nhiên, điều này được thúc đẩy thông qua một liên minh thuế quan hay các phương thức khác đều tùy thuộc vào các cuộc đàm phán. Điều tối thiểu mà các công ty Nhật Bản muốn theo đuổi là một chuỗi cung ứng hiệu quả vượt ra ngoài biên giới Anh và EU."

[Anh: Hãng Honda tuyên bố đóng cửa nhà máy tại Swindon vào 2020]

Ông Tsuruoka cho biết, kể từ khi sự bùng nổ đầu tư của Nhật Bản tại Anh bắt đầu diễn ra vào đầu những năm 1980, các công ty Nhật Bản đã xem Anh là "bàn đạp" quan trọng để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường vào EU.

Theo ông Tsuruoka, 40% tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào EU được rót vào thị trường Anh.

Trao đổi thương mại giữa Anh và Nhật Bản đạt 28 tỷ bảng/năm, tăng 40% trong vòng 5 năm qua, chủ yếu nhờ tăng trưởng thương mại trong các lĩnh vực như phương tiện giao thông, dược phẩm, máy móc và dịch vụ tài chính.

Cùng ngày, Chính phủ Anh thông báo không thể đạt được thỏa thuận tiếp nối trao đổi thương mại với một số đối tác như Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ... trước ngày 29/3, khi Brexit chính thức diễn ra, đồng nghĩa với việc nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận, hoạt động trao đổi thương mại với những quốc gia này có thể bị gián đoạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.