Theo phòng viên TTXVN tại Tokyo, Hội đồng Quốc tế về Tượng đài và Địa danh (ICOMOS) - nhóm chuyên gia có nhiệm vụ xem xét đơn đề nghị công nhận di tích của UNESCO, đã đề xuất đưa các địa danh Cách mạng Công nghiệp thời Minh Trị của Nhật Bản vào danh sách Di sản thế giới.
Trong các địa danh đăng ký di sản có mỏ than Hashima ở Nagasaki còn được biết đến với tên gọi “đảo Chiến hạm” bởi hình dáng kỳ lạ giống một chiến hạm.
ICOMOS đã xem xét về bối cảnh lịch sử của các địa điểm trên và yêu cầu Nhật Bản báo cáo về các giải pháp bảo tồn đảo Chiến hạm và các địa danh đang bị xuống cấp khác tại cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới vào năm 2018.
ICOMOS đã phê chuẩn toàn bộ 23 địa danh tại 8 trong số 47 tỉnh thành được Chính phủ Nhật Bản đệ trình.
Khuyến nghị trên mở đường cho quyết định chính thức đưa vào danh sách tại cuộc họp Ủy ban Di sản Thế giới dự kiến diễn ra từ ngày 3-6/7 ở Bonn, Đức, với sự tham dự của 21 quốc gia thành viên, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Đức.
Nếu được chính thức công nhận, đây sẽ là di sản văn hóa thứ 15 của Nhật Bản được đưa vào danh sách. Cách đây 2 năm, núi Phú Sĩ và Nhà máy sữa Tomioka đã được đưa vào danh sách này.
Nhật Bản cho rằng việc thừa nhận các địa điểm trên, vốn là đại diện cho quá trình công nghiệp hóa của nước Nhật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sẽ tiếp thêm những kỳ vọng phát triển du lịch ở những địa phương có di tích.
Tuy nhiên, nỗ lực của Nhật Bản đang hứng chịu sự chỉ trích và ngăn cản từ Hàn Quốc với cáo buộc hàng nghìn người Triều Tiên đã bị ép buộc làm việc tại một số cơ sở này trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Do vậy, các cuộc thảo luận tại Ủy ban trên vào tháng 7/2015 tới có thể sẽ vấp phải trở ngại khi một trong số các thành viên là Hàn Quốc đã bày tỏ ý kiến phản đối quyết định này.
Seoul lập luận rằng người dân ở Bán đảo Triều Tiên đã bị thúc ép lao động trái với ý nguyện của họ ở một số địa điểm trên.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời Ngoại trưởng nước này Yun Byung Se cho biết Chính phủ Hàn Quốc phản đối việc "đánh bóng" các cơ sở đó là những địa danh cách mạng công nghiệp trong khi bỏ qua thực tế lịch sử cưỡng bức lao động tại đó./.