Nhật Bản quyết định không rút khỏi dự án Sakhalin 2 với Nga

Bộ trưởng Nhật Bản cho biết nếu các công ty Nhật Bản rời Sakhalin-2, các doanh nghiệp khác sẽ thế chỗ, điều này sau đó sẽ chỉ làm tăng thu nhập cho Nga.
Nhật Bản quyết định không rút khỏi dự án Sakhalin 2 với Nga ảnh 1Dự án Sakhalin 2 ở vùng Viễn Đông của Nga. (Ảnh: Shell/TTXVN)

Bất chấp yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản đã quyết định duy trì cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh thành lập một công ty vận hành mới để siết chặt quyền kiểm soát với dự án này.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda ngày 29/7 cho biết: "Chúng tôi đã giải thích với phía Mỹ rằng chúng tôi có kế hoạch duy trì hiện trạng trong vấn đề này. Tôi cho rằng họ đã hiểu lập trường của chúng tôi".

Theo Bộ trưởng Hagiuda, Nhật Bản nhận được yêu cầu của Mỹ rút khỏi dự án. Tuy nhiên, theo ông Hagiuda, nếu các công ty Nhật Bản rời Sakhalin-2, các doanh nghiệp khác sẽ thế chỗ, điều này sau đó "sẽ chỉ làm tăng thu nhập cho Nga".

[Nhật Bản tuyên bố sẽ không từ bỏ dự án khí đốt hóa lỏng với Nga]

Trước đó, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh, theo đó tất cả tài sản của Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin sẽ được chuyển giao cho một pháp nhân Nga. Điện Kremlin cho rằng lý do dẫn đến quyết định này là vì lập trường "không thân thiện" của phía Tokyo sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Koichi Hagiuda trong quá trình đàm phán đã đi đến quyết định tiếp tục tham gia dự án.

Theo kế hoạch của Nhật Bản, Mitsui và Mitsubishi sẽ tiếp tục giữ lần lượt 12,5% và 10% cổ phần trong dự án dầu khí khổng lồ Sakhalin-2. Chính phủ của ông Kishida nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì lợi ích trong các dự án dầu khí ngoài khơi Sakhalin vì chúng rất quan trọng trong đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định khi giá năng lượng tăng cao.

Tập đoàn Gazprom của Nga kiểm soát khoảng 50% cổ phần của Sakhalin-2, trong khi tập đoàn dầu khí Shell của Anh chiếm khoảng 27,5%, tiếp theo là Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.