Nhật Bản sẽ hỗ trợ 10 tỷ USD cho các dự án LNG tại châu Á

Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ 10 tỷ USD cho việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ngành khí hóa lỏng (LNG) trong bối cảnh nhu cầu LNG tăng nhanh ở châu Á.
Nhật Bản sẽ hỗ trợ 10 tỷ USD cho các dự án LNG tại châu Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/10, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ hỗ trợ 10 tỷ USD cho việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong ngành khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong bối cảnh nhu cầu về LNG đang tăng nhanh tại khu vực châu Á.

Phát biểu tại Hội nghị các nước sản xuất và các nước tiêu thụ LNG thường niên tại Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko cam kết Tokyo sẽ hỗ trợ 10 tỷ USD cho các dự án sản xuất LNG tại châu Á theo hình thức công- tư.

Cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham gia vào các dự án xây dựng các kho chứa LNG và nhà máy điện, còn Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản sẽ hỗ trợ về vốn, trong khi Công ty Bảo hiểm Thương mại Nhật Bản sẽ tham gia bảo hiểm đối với các dự án này.

[IEA: Mỹ đang hướng tới vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu LNG]

Bộ trưởng METI cũng tiết lộ kế hoạch đào tạo 500 kỹ thuật viên trong vòng 5 năm tới để làm việc trong lĩnh vực LNG. Ông Seko cũng bày tỏ mong muốn của Nhật Bản về một thị trường LNG quốc tế minh bạch về giá thành và một số vấn đề khác.

Hội nghị giữa các nước sản xuất và các nước tiêu thụ LNG được tổ chức thường niên là cơ hội để các nước sản xuất và các nước tiêu thụ LNG trao đổi về xu hướng nhu cầu và thảo luận các biện pháp làm minh bạch thị trường này.

Sự phát triển kinh tế tại khu vực châu Á đang kéo theo nhu cầu LNG tăng nhanh. Theo dự báo, đến năm 2030, nhu cầu LNG sẽ tăng lên gấp 2,5 lần so với hiện nay. Do vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang muốn tham gia sâu hơn vào lĩnh vực đầy hứa hẹn này.

Hiện Nhật Bản là nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Đặc biệt, nhu cầu về LNG càng tăng mạnh tại Nhật Bản sau khi nước này phải đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa động đất-sóng thần, rò rỉ phóng xạ năm 2011./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.