Nhật Bản: Số vụ phá sản doanh nghiệp tăng lần đầu tiên trong 11 năm

Công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research cho hay Nhật Bản ghi nhận 4.001 vụ phá sản doanh nghiệp ở nước này trong nửa đầu năm nay, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch COVID-19 hoành hành là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bị phá sản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Dịch COVID-19 hoành hành là nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bị phá sản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research, số vụ phá sản của các doanh nghiệp Nhật Bản trong nửa đầu năm 2020 tăng lần đầu tiên trong 11 năm qua, một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng và khách sạn.

Tokyo Shoko Research cho hay Nhật Bản ghi nhận 4.001 vụ phá sản doanh nghiệp ở nước này trong nửa đầu năm nay, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 240 công ty phá sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo một phát ngôn viên của Tokyo Shoko Research, trong khi dịch COVID-19 được coi là một trong những nguyên nhân khiến số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật Bản gia tăng trong nửa đầu năm 2020, hầu hết các trường hợp nói trên là do chi phí lao động tăng cùng với tác động bất lợi của việc Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10/2019.

[Lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật giảm mạnh nhất từ năm 2009]

Số vụ doanh nghiệp phá sản trong các lĩnh vực như dịch vụ lưu trú và dịch vụ ẩm thực của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2020 là 1.295, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019, khi sự sụt giảm lượng du khách quốc tế đến Nhật Bản đã ảnh hưởng tới các lĩnh vực trên.

Trong khi đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 8/7 cho hay niềm tin kinh doanh của người lao động tại Nhật Bản trong tháng 6/2020 đã tăng lên 38,8 điểm, cao hơn 23,3 điểm so với tháng 5/2020 và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2002.

Điều này cho thấy những kỳ vọng của người lao động ở Nhật Bản đối với sự hồi phục tăng trưởng của nền kinh tế nước này sau khi Tokyo thông báo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.