Nhật Bản soạn thảo kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp

Nhật Bản lập kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chấn chỉnh quản trị doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Nhật Bản soạn thảo kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: busienomics.wordpress.com)

Một kế hoạch dự thảo có tên gọi "Kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp Nhật Bản" nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hứa hẹn sẽ chấn chỉnh vấn đề quản trị doanh nghiệp, xúc tiến công nghệ và thu hút đầu tư tư nhân, song vẫn còn để ngỏ nhiều câu hỏi hóc búa nhất khi nước này đang tìm cách thoát ra khỏi chu kỳ giảm phát với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Về quản trị doanh nghiệp, một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài đã hối thúc Nhật Bản cải cách, kế hoạch dự thảo cho biết, vào giữa năm tới, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo sẽ soạn thảo một mã quản trị doanh nghiệp, tức một bộ hướng dẫn để việc giám sát các công ty nhà nước được thực hiện đúng theo chuẩn quốc tế.

Thủ tướng Shinzo Abe đang đẩy mạnh việc cải thiện quản trị doanh nghiệp nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Bản dự thảo trên đề ra mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng năm lên gần 345 tỷ USD vào năm 2020.

Trong lúc tình hình tài chính công ngày một căng thẳng, ông Abe cũng muốn khuyến khích đầu tư tư nhân hơn nữa trong các dự án của nhà nước. Kế hoạch dự thảo đặt mục tiêu thu hút 30 tỷ USD từ các nhà đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Tập đoàn đầu tư bất động sản Fortrees Investment của Mỹ và ngân hàng đầu tư Macquarie của Australia đã tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Nhật Bản. Goldman Sachs cũng đang xem xét việc đầu tư vào Sân bay quốc tế Kansai mới tại Osaka.

Bản kế hoạch cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường sử dụng robot (người máy) trong việc tăng năng suất, khi dân số Nhật Bản đang giảm. Đến năm 2020, ông Abe muốn phải tăng mức độ sử dụng robot 20 lần trong nông nghiệp và 2 lần trong hoạt động chế tạo.

Bản dự thảo bao gồm việc cam kết thành lập một trung tâm nghiên cứu mới tầm cỡ thế giới và hỗ trợ các công ty công nghệ mới thành lập và đang cần vốn.

Tuy nhiên, bản dự thảo dài 60 trang không nói rõ về cách thức cũng như việc chính phủ có cắt giảm thuế doanh nghiệp hay không. Bản dự thảo cũng không nêu chi tiết về kế hoạch cải cách quỹ lương hưu, một vấn đề khác cũng nằm trong số các biện pháp chính sách được các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản theo dõi sát sao nhất.

Những vấn đề khác cũng không được đề cập tới trong bản dự thảo là việc liệu các doanh nghiệp có được quyền sở hữu đất nông nghiệp hay không và các công ty có lợi dụng những cải cách về lao động để sa thải nhân công dễ dàng hơn hay không.

Bản dự thảo do các bộ trong chính phủ soạn thảo và sẽ tạo lập cơ sở cho việc cập nhật các cải cách trong chiến lược tăng trưởng, mũi tên thứ ba trong chính sách phục hưng kinh tế của ông Abe (được gọi là Abenomics) sẽ được công bố trong tháng này.

Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ông Abe nhằm mục tiêu nâng sản lượng của một nền kinh tế đã bị cản trở bởi giảm phát kể từ cuối những năm 1990, nhờ kết hợp với chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản và đợt kích thích đã được thực hiện trước đó.

Những cải cách cơ cấu sắp được công bố cũng nhắm tới một mục tiêu gần hơn là vực dậy lòng tin của nhà đầu tư, trong lúc sự tin tưởng vào Abenomics đã không được như trước và chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã giảm 8% kể từ đầu năm.

Kế hoạch mà chính phủ của Thủ tướng Abe đang phác thảo đang mang đến một cái nhìn về một nền kinh tế Nhật Bản đổi mới, minh bạch hơn và cũng thân thiện hơn với các nhà đầu tư nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.