Nhật Bản thông báo nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng

Trong quý 4/2022, nền kinh tế Nhật Bản đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng sau một quý tăng trưởng âm vì tác động tiêu cực của lạm phát và sự mất giá của đồng yen.
Nhật Bản thông báo nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng ảnh 1Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/2, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thông báo trong quý 4/2022, nền kinh tế nước này đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng sau một quý tăng trưởng âm vì tác động tiêu cực của lạm phát và sự mất giá của đồng yen.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 4/2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với quý trước đó. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế.

Cụ thể, trong kỳ báo cáo, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% quy mô nền kinh tế Nhật Bản, tăng 0,5%, chủ yếu nhờ nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền vẫn khá mạnh, trong khi dịch COVID-19 đã lắng dịu, khiến người dân đi du lịch và ăn ngoài nhiều hơn. Đây là quý thứ ba liên tiếp chỉ số này tăng.

Ở chiều ngược lại, chi tiêu vốn lại giảm 0,5% sau hai quý liên tiếp tăng mạnh do các khoản đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn đã giảm. Bên cạnh đó, đầu tư công cũng giảm 0,5%.

[Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản giảm xuống thấp nhất 8 năm]

Tính chung cả năm 2022, GDP thực tế của Nhật Bản ước đạt khoảng 546.000 tỷ yen (tương đương 4.100 tỷ USD với tỷ giá hiện tại), tăng 1,1% so với năm 2021, đánh dấu năm tăng trưởng thứ 2 của nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng lên tới 2,1% trong năm 2021, mức tăng trưởng trong năm ngoái khá thấp.

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết một trong những nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong năm 2022 là việc nhu cầu tiêu dùng cá nhân tăng 2,4%, chủ yếu nhờ việc Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế sau dịch COVID-19.

Tuy nhiên, việc giá cả nhiên liệu tăng cao do tác động của xung đột quân sự Nga-Ukraine và sự mất giá của đồng yen đã khiến thặng dư thương mại của Nhật Bản giảm, từ đó tác động tới đà tăng trưởng chung của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.