Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vừa có chuyến công du dài ngày tới sáu nước châu Âu, một chuyến đi với mục tiêu đưa đến những tiến triển tích cực cho các cuộc đàm phán thương mại và làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với Liên minh châu Âu (EU).
Trong bối cảnh các vòng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) giữa Nhật Bản và EU đang gặp không ít vấn đề, chuyến công du lần này của nhà lãnh đạo Nhật Bản không ngoài mục đích đưa các cuộc đàm phán sớm về đích.
Việc chọn Đức là điểm dừng chân đầu tiên đã cho thấy mối quan tâm của nhà lãnh đạo Nhật Bản đối với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại với Đức cũng như với cả EU, bởi Đức là nền kinh tế đầu tàu của EU, và là đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, trong khi Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức ở châu Á.
Tiếp Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán FTA giữa EU và Nhật Bản có thể hoàn tất trong năm 2015, nhấn mạnh một hiệp định thương mại với Nhật Bản sẽ cải thiện đáng kể các quan hệ thương mại và cũng là rất quan trọng với một nước xuất khẩu như Đức.
Cả Thủ tướng Đức và người đồng cấp Nhật Bản đều cho thấy sự sẵn sàng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế song phương và đẩy nhanh đàm phán FTA giữa EU và Nhật Bản.
Trong khuôn khổ chuyến công du, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản lần thứ hai. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nhật Bản và các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí sẽ nỗ lực sớm kết thúc đàm phán FTA.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói, hai bên sẽ tập trung cho các cuộc thương lượng để có thể đạt thỏa thuận sơ bộ về FTA vào năm 2015.
Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, các nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc sớm kết thúc một thỏa thuận thương mại tự do tham vọng và khá toàn diện như vậy.
Tuyên bố chung nói rằng các bên hoan nghênh việc các đề xuất về tiếp cận thị trường hàng hóa đã được đưa ra và tiến triển vững chắc cũng đã đạt được trong các lĩnh vực khác, trong khi cũng gián tiếp đề cập đến việc cần phải có những nỗ lực lớn hơn nhằm thu hẹp những bất đồng trong các lĩnh vực như mua sắm của chính phủ, thương mại dịch vụ và đầu tư.
Tuy nhiên, các quan chức của cả hai bên đều tin tưởng các cuộc đàm phán đang tiến triển tốt, có thể đưa đến một thỏa thuận trước cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, một thỏa thuận thương mại tự do mà giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng và điều này được thể hiện rõ nét trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chuyến đi châu Âu của Thủ tướng Abe diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Nhật Bản đón tiếp Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm cấp nhà nước. Mặc dù đã đặt nhiều hy vọng cho chuyến thăm này, nhưng các cuộc gặp đã không thể tạo được đột phá cho các cuộc đàm phán về TPP.
Quá trình đàm phán FTA giữa EU và Nhật Bản đã được khởi động từ tháng Tư năm ngoái. Nhật Bản đã đề nghị EU bãi bỏ thuế đánh vào hàng điện tử và công nghiệp, nhất là ôtô, trong khi EU muốn Nhật Bản giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ EU.
Nhật Bản mong muốn có thể tăng xuất khẩu ôtô và tivi vào thị trường 28 quốc gia thành viên EU, còn khối này hy vọng có thể xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng như bơ và rượu tới Nhật Bản và cũng muốn kêu gọi nước này dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan như các quy định về an toàn đối với các phương tiện gắn máy và thiết bị y tế. Tuy nhiên, hai bên hiện vẫn còn những khoảng cách lớn về những vấn đề được đưa ra thảo luận. Vòng đàm phán thứ 5 đã kết thúc tháng trước song hai bên vẫn chưa thông báo về bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Theo các nhà phân tích, nếu FTA giữa EU và Nhật Bản được hoàn tất vào năm 2015, kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng thêm khoảng 50% (36 tỷ USD). Theo một thông cáo báo chí của EU, FTA này ước tính sẽ giúp GDP của EU tăng thêm 0,6-0,8% và tạo ra 400.000 việc làm, xuất khẩu của EU tới Nhật Bản tăng 32,7%, còn xuất khẩu của Nhật Bản vào EU tăng 23,5%.
Kinh tế Nhật Bản và các nước EU hiện chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 40% kim ngạch thương mại thế giới. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 7 của EU và EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản.
Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), kim ngạch thương mại của EU với Nhật Bản giảm dần trong thập niên vừa qua, trong đó nhập khẩu giảm nhiều hơn so với xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu giảm đã góp phần thu hẹp thâm hụt thương mại của EU với Nhật Bản xuống còn 2,5 tỷ euro (3,5 tỷ USD) trong năm 2013. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Nhật Bản giảm nhẹ xuống 54 tỷ euro, so với con số 55,6 tỷ euro trong năm 2012. Trong khi đó, nhập khẩu của EU từ Nhật Bản giảm mạnh từ 64,7 tỷ euro, xuống còn 56,5 tỷ euro.
EU và Nhật Bản đều đang trải qua những khó khăn trong những năm gần đây như cùng đối mặt với tình trạng lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế chậm.
Nhật Bản đang thoát ra khỏi tình trạng giảm phát kéo dài, nhờ việc thực hiện chính sách Abenomics, bơm lượng lớn tiền vào nền kinh tế, nhằm mục tiêu cuối cùng là kích thích nhu cầu và thúc đẩy lạm phát. Trong bối cảnh đó, những tiến bộ trong các cuộc thương lượng để tiến tới ký kết FTA là vô cùng quan trọng đối với cả hai bên.
Đối với Nhật Bản, việc ký kết FTA với các nền kinh tế lớn khác là một kế sách của nước này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.