Nhật Bản và EU sẽ sớm ký FTA bất chấp vấn đề Brexit

Ngày 9/7, Thủ tướng Nhật Bản và người đồng cấp Vương quốc Anh nhất trí phối hợp nhằm giúp cho Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Nhật Bản và EU sớm được ký kết, bất chấp Brexit.
Nhật Bản và EU sẽ sớm ký FTA bất chấp vấn đề Brexit ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Vương quốc Anh Theresa May. (Nguồn: PA)

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức ngày 9/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Vương quốc Anh Theresa May đã nhất trí phối hợp nhằm giúp cho Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) sớm được ký kết, bất chấp Brexit.

Lãnh đạo hai nước đã hoan nghênh thỏa thuận về FTA mà Tokyo và Brussels đã đạt được hôm 6/7 vừa qua ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20.

[EU và Nhật Bản đạt đồng thuận về thỏa thuận FTA lịch sử]

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Abe đã yêu cầu Thủ tướng May giảm thiểu những ảnh hưởng của Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi EU) đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Đáp lại, Thủ tướng Anh cho biết London muốn thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với Nhật Bản.

Trước đó ngày 6/7 vừa qua, Nhật Bản và EU đã đạt được sự nhất trí "trên nguyên tắc" về một thỏa thuận thương mại tự do sau bốn năm đàm phán.

Theo giới quan sát, thỏa thuận trên đánh dấu một bước tiến lớn về thương mại tự do, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện quan điểm "nước Mỹ là trên hết.”

Theo tờ Le Monde, Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản là cách để EU chứng minh với thế giới, mà trước tiên là với Tổng thống Mỹ Donald Trump, là EU khước từ chính sách bảo hộ mậu dịch và tiếp tục theo đuổi tự do thương mại.

Còn với Nhật Bản, sự kiện ông Donald Trump khi đơn phương rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một trong những động lực để Tokyo đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệp đinh thương mại tự do với EU, vốn đã bắt đầu từ năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.