Ngày 17/8, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành các phiên thảo luận nhằm xây dựng một chiến lược giảm thiểu rác thải nhựa, trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại nguy cơ ô nhiễm đại dương do việc xả rác thải nhựa ra môi trường.
Một ủy ban thuộc Hội đồng Môi trường trung ương của Nhật Bản mong muốn có thể vạch ra một dự thảo chiến lược gồm hàng loạt mục tiêu vào cuối năm nay.
Ủy ban trên cho rằng Nhật Bản vẫn chậm trễ trong việc đưa ra các biện pháp cứng rắn như cấm mua bán và sử dụng túi nhựa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ công nghệ giúp các nước khác giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Môi trường Masaharu Nakagawa bày tỏ hy vọng ủy ban trên có thể soạn thảo một chiến lược hiệu quả để Nhật Bản có thể đi đầu thế giới trong việc hạn chế tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trong môi trường.
Dự kiến trong các vòng thảo luận tiếp theo, ủy ban trên sẽ nghiên cứu cách thức khôi phục và tái chế hiệu quả các đồ dùng bằng nhựa dùng một lần, thúc đẩy sử dụng nhựa sinh học có nguồn gốc từ chất thải nông nghiệp có thể dễ dàng phân hủy trong tự nhiên, cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
[Nhật Bản thông qua dự luật hạn chế xả rác thải nhựa]
Nhật Bản là quốc gia xả ra môi trường lượng rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, nước này lại đi chậm hơn các nước khác trong nỗ lực chống tình trạng ô nhiễm đại dương, do việc sử dụng tràn lan đồ nhựa như các hộp đựng và túi nilông.
Hồi tháng Sáu vừa qua, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật về giảm thiểu việc xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ từ các nhà máy ra biển. Văn bản này hối thúc các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng sản xuất hóa mỹ phẩm, ngừng sử dụng các hạt nhựa siêu nhỏ trong quá trình sản xuất, đồng thời kêu gọi giảm thải các mảnh nhựa có kích thước tới 5mm ra môi trường. Đây là dự luật môi trường đầu tiên tại Nhật Bản về các biện pháp giảm thiểu xả thải các hạt nhựa siêu nhỏ ra môi trường.
Tuy nhiên, văn kiện này không đưa ra các chế tài xử phạt đối với những tổ chức và cá nhân thiếu ý thức và không tuân thủ các yêu cầu trên.
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong năm 2010, lượng rác thải nhựa đổ ra các đại dương mỗi năm đạt khoảng 4-12 triệu tấn, tác động tới hệ sinh thái biển, gây thiệt hại cho các ngành du lịch và đánh bắt hải sản./.