Các loại nhựa được dùng trong những vật dụng thường ngày từ chai nước cho đến bao bì sẽ sản sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính khi phân hủy trong tự nhiên.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS ONE ngày 1/8 này làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng của hiện tượng này đối với biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học Mỹ và Canada đã tiến hành thí nghiệm với các chai nhựa, túi mua sắm, nhựa công nghiệp và hộp đựng thực phẩm.
Trong số này, thành phần sản sinh ra nhiều khí gây hại nhất là nhựa polyetylen có trong túi mua sắm, cũng là loại polime tổng hợp được sản xuất và thải ra môi trường nhiều nhất trên thế giới.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các loại nhựa khi phân hủy sản sinh ra các khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh như metan và etylen.
[Nhiều rác thải nhựa trong dạ dầy một con rùa xanh tại Thái Lan]
Các khí gây hiệu ứng nhà kính được cho là thủ phạm làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây ra hiện tượng Trái Đất ấm lên và mực nước biển dâng cao, đe dọa đến nhiều cộng đồng sinh sống ven biển.
Dù chưa tính toán được lượng khí thải do nhựa phân hủy, song các tác giả nghiên cứu cho rằng cần sớm đưa ra con số cụ thể khi Trái Đất hiện đối mặt với hơn 8 tỷ tấn rác thải nhựa và lượng nhựa được sản xuất dự kiến tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
Những nghiên cứu trước đó cho thấy kể từ năm 1950, hơn 9 tỷ tấn nhựa được sản xuất ra, trong đó phần lớn thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp.
Theo một nghiên cứu khác được công bố tháng Ba vừa qua, đảo rác khổng lồ - nơi rác thải nhựa tụ lại ở Thái Bình Dương - lớn gấp 16 lần so với ước tính trước đó, gây đe dọa đến hệ sinh vật biển.
Rác thải nhựa từ lâu được biết đến là nguồn sản sinh ra những hóa chất độc hại thấm vào đất và nước, gây hại cho sức khỏe con người./.