Nhật đề ra nhiều biện pháp mới trong chiến lược tăng trưởng

Một ủy ban thuộc chính phủ Nhật Bản ngày 13/6 đã đề ra 230 biện pháp phi điều tiết nhằm tái sinh nền kinh tế Nhật Bản thông qua những cải cách về y tế, việc làm và nông nghiệp.
Nhật đề ra nhiều biện pháp mới trong chiến lược tăng trưởng ảnh 1Dỡ hàng từ tàu contenơ tại cảng quốc tế Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, một ủy ban thuộc Chính phủ Nhật Bản chịu trách nhiệm cải cách thể chế ngày 13/6 đã đề ra 230 biện pháp phi điều tiết nhằm tái sinh nền kinh tế Nhật Bản thông qua những cải cách về y tế, việc làm và nông nghiệp.
Các đề xuất này, đã được trình lên Thủ tướng Shinzo Abe, sẽ xuất hiện trong chiến lược tăng trưởng mới của Chính phủ Nhật Bản soạn thảo vào ngày 27/6 tới.
Trong các khuyến nghị này, Hội đồng cải cách thể chế, do trưởng nhóm cố vấn, ông Motoyuki Oka thuộc Tập đoàn Sumitomo đứng đầu, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cải cách mà ở đó người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Trong lĩnh vực y tế, ủy ban trên kêu gọi một cơ chế rộng mở, kết hợp giữa điều trị y tế với các dịch vụ phi bảo hiểm theo yêu cầu của bệnh nhân.
Nhật Bản đã cho phép tổng cộng 94 phương thức điều trị y tế tiên tiến phi bảo hiểm kết hợp với các liệu pháp có bảo hiểm, chủ yếu là vì mục đích nghiên cứu.
Việc bãi bỏ quy định là nhằm cho phép bệnh nhân nhận được những liệu pháp tiên tiến trong vài tuần như họ yêu cầu. Điều này cũng nhằm làm gia tăng số lượng các cơ sở y tế đủ khả năng thực hiện được những liệu pháp này.
Đối với các trường hợp sử dụng những loại thuốc không được duyệt, ủy ban yêu cầu rút ngắn thời gian phê duyệt xuống khoảng 6 tuần so với 6-7 tháng như hiện nay.
Về các biện pháp phi điều tiết liên quan đến việc làm, uỷ ban trên đề xuất thúc đẩy hệ thống trả lương dựa trên công lao dưới dạng “cơ chế miễn trừ cổ cồn trắng,” theo đó các nhà tuyển dụng có thể trả cho một số người lao động không phải vì thâm niên mà vì những thành tựu mà họ đạt được.
Ủy ban cũng đề nghị áp dụng cơ chế buộc các công ty phải đảm bảo rằng người lao động cần sử dụng tất cả ngày nghỉ của mình.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ủy ban này thúc giục các nỗ lực tăng cường nhằm cải cách nông nghiệp của Nhật Bản trong 5 năm tới.
Nhóm nghiên cứu chính sách cũng đề nghị cải cách Hiệp hội Hợp tác xã trung ương, tổ chức bảo trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp trên toàn quốc, được biết đến với tên gọi JA-Zenchu, theo đó các hợp tác xã địa phương sẽ được phép điều hành hoạt động kinh doanh của họ tự do hơn.
Hội đồng này cũng đề xuất chuyển đổi Liên đoàn các hiệp hội hợp tác xã nông nghiệp quốc gia (NFACA), được gọi là JA Zen-noh, thành một công ty cổ phần trong tương lai. JA Zen-noh sẽ rao bán các sản phẩm của các hợp tác xã này.
Ngoài ra, uỷ ban này cũng cho rằng việc hạn chế sở hữu của các doanh nghiệp tư nhân trong các tổ chức nông nghiệp cần phải được nới lỏng tới ít hơn 50% quyền biểu quyết so với mức khoảng dưới 25% hiện nay nhằm khuyến khích những đối tượng mới tham gia vào thị trường./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.