Nhật-Hàn-Trung đạt một số tiến bộ trong đàm phán FTA

Sau 4 ngày thảo luận, các nhà đàm phán của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã xác định những quy tắc cơ bản để tiếp tục thảo luận về thuế quan.

Tại vòng đàm phán thứ ba về Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên, diễn ra tại Tokyo ngày 29/11, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt một số tiến bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực tiếp cận thị trường và sở hữu trí tuệ.

Sau 4 ngày thảo luận, các nhà đàm phán của ba nước đã xác định những quy tắc cơ bản để tiếp tục thảo luận về thuế quan. Liên quan đến sở hữu trí tuệ, đây là lần đầu tiên ba nước thảo luận vấn đề này trong khuôn khổ một cuộc họp cấp chuyên viên.

Tại cuộc gặp, ba bên cũng đã thảo luận nhiều chủ đề khác như chỉ dẫn về nhãn mác, hải quan, vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS), các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), dịch vụ, đầu tư, cạnh tranh...

Ba nước đều nhất trí cần kết thúc các cuộc đàm phán này trước khi hết năm 2015, hạn chót phải đạt thỏa thuận mà 16 nước tham gia các cuộc đàm phán tự do thương mại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đặt ra. Dự kiến, ba nước sẽ tiến hành vòng đàm phán FTA tiếp theo tại Hàn Quốc vào tháng 2/2014. Kế hoạch đàm phán cụ thể sẽ được thảo luận sau.

Vòng đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) bao trùm quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshimitsu Motegi ngày 29/11 cho biết căng thẳng đã không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán FTA và Trung Quốc hiểu tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại mà các bên đang hướng tới.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có quan hệ kinh tế và thương mại ngày càng gắn bó và đã trở thành các đối tác và thị trường quan trọng của nhau. Năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả ba nước cộng lại đạt 14.300 tỷ USD, chiếm khoảng 20% GDP toàn cầu, và 70% GDP của toàn châu Á. Kim ngạch xuất - nhập khẩu của ba nước đạt 5.400 tỷ USD, chiếm 35% thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.