Nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát ngay các chính sách để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp lại khu vực gặp khó khăn.
Nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng ảnh 1Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 3/4. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán mục tiêu bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định chính trị-xã hội...

Đây là thông tin được Bộ trưởng Trần Văn Sơn đưa ra tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 3/4, tại Hà Nội.

Điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay trong quý 1/2023, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam như việc giá một số mặt hàng chiến lược không ổn định, lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ các nước tiếp tục thắt chặt, một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu phải ngừng hoạt động, phá sản cộng với sức mua từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU giảm sút...

Ở trong nước, với quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Đặc biệt, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi nên chịu tác động lớn, bất lợi bởi diễn biến của tình hình thế giới; số lượng đơn hàng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm.

Tuy vậy, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội trong tháng 3 và quý 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng, thực hiện được các mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao.

[Tổng cục Thống kê kiến nghị 6 giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô]

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, GDP quý 1 tăng 3,32%, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng (CPI tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ. Tính chung quý 1, CPI tăng 4,18%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%).

“Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 4,07 tỷ USD. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, lãi suất điều hành được điểu chỉnh giảm 2 lần trong quý 1, góp phần làm cho mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm,” ông Sơn dẫn chứng thêm.

Đáng chú ý, trong quý 1, thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ, trong khi du lịch phục hồi nhanh, có gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, gấp 29,7 lần cùng kỳ và bằng gần 3/4 lượng khách của cả năm 2022.

Mặc dù đạt được kết quả trên, song theo đánh giá, quý đầu năm GDP ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 và là mức gần thấp nhất trong 13 năm qua.

Lý giải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết điều này phản ánh đúng thực tế cũng như những đánh giá của cơ quan chức năng khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023 trong bối có nhiều khó khăn, thách thức đan xen.

Trong đó phải kể đến tình hình khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát còn tăng cao, các chính sách thắt chặt tiền tệ… tất cả đều tác động đến nền kinh tế nước ta khi có độ mở cao.

“Đây là mức ghi nhận khách quan và chúng ta cần phải tập trung khắc phục. Để đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, chúng ta phải nỗ lực rất lớn để bù đắp lại những gì mà quý 1/2023 chưa đạt được,” ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tập trung cho các trụ cột

Về các giải pháp từ nay đến cuối năm, ông Phương cho hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô cùng với các giải pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong các giải pháp về vĩ mô có 2 chính sách trọng tâm cần phải triển khai linh hoạt, hiệu quả, thận trọng trong việc điều hành, đó là chính sách tài khóa và tiền tệ. Điều này vừa bảo đảm chống chọi với các khó khăn từ bên ngoài, vừa bảo đảm cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị cần rà soát ngay các chính sách còn lại để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó lấy tăng trưởng của khu vực thuận lợi để bù đắp lại khu vực gặp khó khăn.

Dẫn số liệu của Tổng Cục thống kê, trong quý 1, khu vực chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn khi tăng trưởng âm, ông Phương cho rằng các động lực còn lại phải hỗ trợ, đơn cử như phát triển nông nghiệp, dịch vụ...

Theo ông Phương, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bởi đây là giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh các giải pháp chung theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP về phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Ông Phương cho rằng các địa phương cần thành lập các tổ hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp ngay từ cơ sở. Trong đó, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung ương phải là Tổ trưởng tổ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại địa phương của mình.

“Có như vậy mới có thể vượt qua được những khó khăn ban đầu của quý 1 để đạt được những mục tiêu hằng tháng, hằng quý. Bởi nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành cũng như mỗi địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị quyết Chính phủ phiên họp thường kỳ, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể và phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị khi triển khai,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng ảnh 2Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin về kết quả kinh tế-xã hội quý 1. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng cho biết để thực hiện các mục tiêu đề ra, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; cắt bỏ quyết liệt các thủ tục hành chính rườm rà, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Các đơn vị phải huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư, phương thức hợp tác công-tư, thu hút vốn FDI, nhất là FDI chất lượng cao.

“Chúng ta phải theo sát diễn biến giá cả các mặt hàng trên thế giới; chủ động có các kịch bản điều hành giá cả, sản xuất, bình ổn giá phù hợp lường trước các rủi ro. Đẩy mạnh, kích cầu tiêu thụ trong nước. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khai thác hiệu quả các FTA,” Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cũng cho hay ngay khi số liệu kinh tế vĩ mô quý 1 được công bố ngày 29/3, đến ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở quy định kiểm soát lạm phát, diễn biến thị trường tiền tệ tiếp tục giảm lãi suất.

"Cơ bản lãi suất điều hành và lãi suất chủ chốt của thị trường đã được giảm với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế và không chủ quan với lạm phát," Phó Thống đốc cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.