Trong mấy ngày nay, dư luận đang xôn xao vụ việc “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thúy bị bắt vì hành vi lừa đảo trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ở Quảng Trị.
Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Khải - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội - đơn vị tham gia chương trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã nhờ ông Thúy tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp tâm linh.
- Xin ông cho biết, lý do tại sao Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ?
Ông Đoàn Văn Khải: Ngân hàng Chính sách Xã hội là ngân hàng của Chính phủ, có nhiệm vụ thực hiện tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng khác nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong thời gian qua, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được Chính phủ giao, cán bộ đoàn viên công đoàn đã rất tích cực chủ động tham gia vào các hoạt động từ thiện đến ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2012), Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức một đoàn cựu chiến binh là cán bộ Ngân hàng trở lại chiến trường xưa để thắp hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Sau chuyến đi này, đại diên trong đoàn đã có bức tâm thư gửi Ban thường vụ Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc và Ban chấp hành công đoàn Ngân hàng bầy tỏ tâm nguyện mong muốn thành lập quỹ để tiến hành tìm kiếm quy tập mộ liệt sỹ của các đồng đội đã ngã xuống hiện nay chưa được quy tập, còn nằm lại chiến trường.
Xét thấy nguyện vọng đó rất đáng quan tâm, phù hợp với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn và cũng phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước nên Ban chấp hành công đoàn chúng tôi đã báo cáo và được Ban chấp hành Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc giao cho Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức triển khai thực hiện.
- Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội đã sử dụng nguồn tiền nào để thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ theo chủ trương trên, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Khải: Để thực hiện chương trình này, chúng tôi đã tổ chức phát động cán bộ, viên chức tự nguyện đóng góp thành lập quỹ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ cuối năm 2012.
Trong quá trình thực hiện, nhận thấy đây là việc làm nhân văn nên một số cá nhân ngoài ngành cũng tự nguyện tham gia đóng góp, trên cơ sở đó, chúng tôi đã triển khai tổ chức thực hiện. Tổng số tiền mà đoàn viên Công đoàn và những nhà hảo tâm khác tự nguyện đóng góp cho chương trình này là hơn 9,5 tỷ đồng.
Để đảm bảo quản lý quỹ này tiết kiệm và hiệu quả, chúng tôi đã thành lập Ban quản lý quỹ, xây dựng quy chế quản lý sử dụng quỹ chặt chẽ và thành lập Đoàn công tác tham gia chương trình để đảm bảo chương trình được thực hiện một cách có hiệu quả.
Chúng tôi tổ chức 4 đợt quy tập tại 3 tỉnh là Đắk Lắk, Bình Phước và Quảng Trị và đã tìm được 97 bộ hài cốt liệt sỹ.
- Cách thức mà Ngân hàng Chính sách thực hiện việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Khải: Trước mỗi đợt quy tập cơ quan công đoàn đều thành lập đoàn công tác để thực hiện việc triển khai việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, đề nghị họ cùng tham gia tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Ủy ban Nhân dân các tỉnh đều có văn bản chỉ đạo và phân công công việc cụ thể cho các ngành chức năng của địa phương để phối hợp cùng Ngân hàng tìm kiếm.
Cụ thể, Sở Lao động Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động này cùng với Ngân hàng, cử người ghi chép nhật ký trong quá trình quy tập và viết biên bản bàn giao; các cán bộ công an đảm bảo an ninh trật tự; đơn vị bộ đội cử các đội rà phá bom mìn. Các đội quy tập cùng với chúng tôi giám sát quá trình cất bốc hài cốt liệt sỹ.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức chúng tôi có mời các đồng chí ở Hội cựu chiến binh Việt Nam, đồng đội của các liệt sỹ và các báo, đài để đưa tin phản ánh và làm công tác tuyên truyền, tạo dựng truyền thống uống nước nhớ nguồn cho cán bộ đoàn viên công đoàn.
Tại các địa điểm đó chúng tôi thấy nhân dân đều đón nhận hưởng ứng và ủng hộ hoạt động này. Mỗi đợt chúng tôi đều có ghi chép và quay lại băng để làm tư liệu.
- Tại sao Công đoàn Ngân hàng Chính sách lại nhờ ông Nguyễn Thanh Thúy thực hiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ mà không phải là các cơ quan chức năng khác, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Khải: Qua thông tin từ một số gia đình là thân nhân của liệt sỹ đã được ông Thúy giúp đỡ tìm kiếm hài cốt liệt sỹ thành công, lãnh đạo Công đoàn Ngân hàng đã họp và thống nhất nhờ ông Thúy giúp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp tâm linh.
- Cách đây vài ngày, ông Nguyễn Thanh Thúy đã bị bắt vì nghi là làm giả hài cốt liệt sỹ. Vậy quan điểm của Ngân hàng về việc này như thế nào?
Ông Đoàn Văn Khải: Trước vong linh của các anh hùng liệt sỹ, Ngân hàng Chính sách cam kết không có bất kỳ hành động trục lợi, thông đồng hoặc tiếp tay nào cho nhà ngoại cảm.
Quan điểm của Ngân hàng đề nghị cơ quan điều tra sớm xác minh làm rõ sự việc nếu ông Thúy có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt số tiền mà chúng tôi tự nguyện đóng góp của các đoàn viên công đoàn thực hiện chương trình này. Đây là hành động hết sức vô đạo đức và vô nhân tính, chúng tôi kịch liệt lên án hành động đó. Đề nghị pháp luật nghiêm trị.
Về phần mình, chúng tôi tự thấy đã thực hiện chương trình này với tình cảm trách nhiệm cao cả và tận tâm đối với các anh hùng liệt sỹ.
- Ngân hàng Chính sách Xã hội có cách nào thẩm định bộ hài cốt liệt sỹ đó có thật hay không, hay chỉ dựa trên những gì ông Thúy nói?
Ông Đoàn Văn Khải: Chúng tôi có các căn cứ sau đây: Thứ nhất, trước khi tiến hành quy tập, chúng tôi đều được ông Thúy thông báo thông tin, trong đó có thông tin về tên, địa chỉ, quê quán, chức vụ, cấp bậc, đơn vị, năm hy sinh của liệt sỹ. Trên cơ sở đó chúng tôi thông báo về địa phương và đều được các địa phương báo có tên của các liệt sỹ cần tìm kiếm.
Chúng tôi cũng thông báo mời các gia đình liệt sỹ có danh tính như vậy tham gia vào quá trình tìm kiếm quy tập liệt lỹ, cùng tham gia vào quá trình cất bốc và xác nhận. Một số gia đình đã rất tin tưởng và đón liệt sỹ về quê hương.
Trong quá trình cất bốc, chúng tôi phát hiện, ngoài xương cốt còn có nhiều kỷ vật của bộ đội như bình tông, huy hiệu, ngôi sao, cúc áo, dép cao su và một số các kỷ vật đó có khắc tên của liệt sỹ. Chính vì vậy, chúng tôi thấy rất tin tưởng. Không riêng gì chúng tôi, các đội quy tập của các tỉnh, các ngành chức năng giám sát, nhân dân địa phương và cả gia đình cũng rất tin tưởng.
Trên cơ sở đó chúng tôi đã ký biên bản bàn giao cho Sở Lao động Thương binh Xã hội các tỉnh đón nhận các số hài cốt liệt sỹ đó.
- Xin cảm ơn ông!