'Nhiệt điện Thái Bình 2 đủ khả năng sinh lời khi đi vào hoạt động'

PVN đã thuê đơn vị đánh giá độc lập phân tích, đánh giá cho thấy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi đi vào hoạt động vẫn đảm bảo hiệu quả, có đủ khả năng thu hồi vốn và sinh lời theo đúng kế hoạch.
'Nhiệt điện Thái Bình 2 đủ khả năng sinh lời khi đi vào hoạt động' ảnh 1Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được quy hoạch với công suất 600 MW. (Ảnh: Vietnam+)

Là một trong hai nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình, được quy hoạch với công suất 600 MW, tổng lượng điện sản xuất mỗi năm theo thiết kế lên đến 7,2 tỷ kWh điện thương phẩm.

Ngay từ ngày đầu khởi công, đây đã được xác định là dự án cấp bách trong Tổng sơ đồ điện VI, được kỳ vọng là một trong những dự án năng lượng trọng điểm, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu điện đang tăng bình quân 14%/năm của nền kinh tế xã hội Việt Nam (giai đoạn 2011-2015), góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn và kinh tế cho khu vực đồng bằng Sông Hồng, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt nước.

Tuy nhiên, sau gần 9 năm, vì nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn như chủ quan, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành và cũng phải gánh chịu không ít điều tiếng từ dư luận xã hội…

Chia sẻ về dự án, nhiều cán bộ công nhân viên Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho rằng “dự án đặc biệt nên cần cơ chế đặc biệt.” Song, cơ chế đặc biệt ở đây không phải là “muốn làm gì thì làm” mà là căn cứ trên những quy định của pháp luật hiện hành, điều gì có lợi cho dự án, tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm được thời gian...

Còn theo đại diện PVN, hiện nay, điều dư luận và các cấp bộ ngành quan tâm nhất đối với dự án là chất lượng thiết bị máy móc đã được lắp đặt và hiệu quả của dự án sau khi đi vào hoạt động.

Cụ thể, các hệ thống/thiết bị sau khi lắp đặt tại nhà máy đã được đơn vị có chức năng kiểm định độc lập theo đúng quy định. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, một số các hệ thống đã tiến hành chạy thử đều đạt yêu cầu thiết kế. Đối với thiết bị quan trọng như tuabin-máy phát, các chuyên gia của Toshiba (Nhật Bản) đã kiểm tra gối trục tại công trường.

Ngoài ra, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thuê đơn vị đánh giá độc lập phân tích, đánh giá cho thấy dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi đi vào hoạt động vẫn đảm bảo hiệu quả, có đủ khả năng thu hồi vốn và sinh lời theo đúng kế hoạch.

[Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước làm việc với Petrovietnam]

Trong buổi làm việc ngày 5/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trực tiếp kiểm tra tiến độ và lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại Dự án.

Theo Phó Thủ tướng, đây là dự án điện trọng điểm quốc gia có vai trò quan trọng khi hoàn thành sẽ cung cấp điện cho khu vực Duyên hải miền Bắc và cả nước. Hiện nay khối lượng hoàn thành đạt trên 86%, tuy nhiên do có nguyên nhân khách quan và chủ quan, kể cả trước đây có vi phạm nên dự án dừng lại một thời gian, gây thiệt hại lớn.

Chính phủ đã báo cáo, được cấp có thẩm quyền cho phép Petrovietnam tiếp tục thực hiện, sử dụng nguồn vốn của Petrovietnam để hoàn thành dự án.

Về phía PVN, ngày 25/12 vừa qua, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc “Giải quyết các kiến nghị của Tổng Giám đốc PVN về Phương án tiếp tục triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.”

Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tại thông báo kết luận số 397/TB-VPCP ngày 16/12/2020, Hội đồng Thành viên Tập đoàn thống nhất cần triển khai ngay dự án trên cơ sở: Đúng quy định pháp luật; đảm bảo chất lượng dự án; đáp ứng tiến độ theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực tại thông báo kết luật số 397/TB-VPCP.

Hội đồng Thành viên Tập đoàn cũng giao nhiệm vụ xây dựng cơ chế đặc biệt (phân cấp, ủy quyền, cơ chế mua sắm, thanh toán, tạm ứng…) phù hợp với quy định của Nhà nước và tập đoàn trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.