Nhiều bộ và địa phương bị điểm mặt vì lập dự toán thu chi "bừa"

Việc lập dự toán thu ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương bị đánh giá là chưa đẩy đủ, thấp so với khả năng thực hiện.
Nhiều bộ và địa phương bị điểm mặt vì lập dự toán thu chi "bừa" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việc lập dự toán thu ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương bị đánh giá là chưa đẩy đủ, thấp so với khả năng thực hiện. Trong khi đó, với chi ngân sách, thực tế lại có tình trạng các bộ lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách còn địa phương thì không tuân thủ định mức phân bổ của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Đây là kết quả kiểm toán năm 2015 (niên độ ngân sách năm 2014) vừa được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chính thức công bố sáng 26/8 tại 203 đơn vị trong đó có 20 bộ, cơ quan Trung ương; 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 49 dự án đầu tư,...

Dự toán thu: Thiếu một loạt khoản

Về dự toán thu ngân sách, kết quả kiểm toán cho thấy một số bộ, cơ quan Trung ương lập dự toán chưa đầy đủ các khoản thu như: Đài Truyền hình Việt Nam (không lập dự toán nguồn thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và thu khác của Trường Cao đẳng Truyền hình) hay Bộ Khoa học và Công nghệ (không lập dự toán thu hoạt động kinh doanh dịch vụ).

Cũng có tình trạng các đơn vị không lập dự toán thu các khoản học phí, phí, lệ phí và các khoản huy động đóng góp khác như tại: Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đăk Lăk, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bình Phước, Đồng Tháp, Bắc Ninh.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho rằng, các địa phương được kiểm toán đã không dự kiến đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn. Những cái tên được nhắc tới như: Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Vĩnh Long, Bình Thuận, Quảng Ngãi.

Cũng về dự toán thu ngân sách, một số địa phương được kiểm toán đã lập dự toán thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) không đảm bảo mức phấn đấu tăng bình quân khoảng 12-13%. Một loạt địa phương bị điểm tên trong diện này là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh...

Tương tự, dự toán thu xuất nhập khẩu của một số địa phương cũng không đảm bảo tăng 8-9% so với ước thực hiện năm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Nam, Tây Ninh, Bắc Giang,...

Lập dự toán chi cao hơn khả năng

Về dự toán chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cho thấy, tại một số Bộ, cơ quan Trung ương còn tình trạng lập dự toán cao hơn khả năng ngân sách, chưa đầy đủ căn cứ tính toán và không sát thực tế. Những cơ quan trong diện này là: Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ở địa phương, kết quả kiểm toán còn chỉ một số nơi lập và giao dự toán cho một số nhiệm vụ chi chưa tuân thủ định mức phân bổ của Hội đồng Nhân dân tỉnh như: Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đăk Lăk.

Một số tỉnh như Bình Định, Vĩnh Long thậm chí còn giao dự toán chi cho đơn vị thụ hưởng không tuân thủ dự toán đã được Hội đồng Nhân dân quyết định.

Ở các địa phương cũng có tình trạng giao chỉ tiêu biên chế cao hơn chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao. Đơn cử cho thực tế này là tại Thành phố Hồ chí Minh: Uỷ ban Nhân dân thành phố giao chỉ tiêu biên chế vượt so với chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao 4.599 biên chế; thành phố Đà Nẵng vượt 498 biên chế; Bình Dương vượt 636 biên chế; Vĩnh Phúc vượt 407 biên chế; Kon Tum vượt 227 biên chế; Bình Phước vượt 255 biên chế.

Cũng về dự toán chi ngân sách, các địa phương thậm chí còn có tình trạng "phân bổ dự toán nhưng không có nhiệm vụ chi" với số tiền vài chục tỷ đồng. Các địa phương bị nêu tên là: Thành phố Đà Nẵng với 145,7 tỷ đồng, tỉnh Quảng Bình 34,6 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 18,6 tỷ đồng, Phú Thọ 9,4 tỷ đồng.

Ở hướng khác, dự toán chi đầu tư phát triển ở các bộ, địa phương cũng có không ít tồn tại, hạn chế.

Một trong những hạn chế được Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh là danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn.

Thậm chí, các đơn vị còn bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện. Một ví dụ được Kiểm toán Nhà nước nêu lên là các địa phương phân bổ cho các dự án, công trình khi chưa có quyết định đầu tư hoặc có quyết định đầu tư sau ngày 31/10 năm trước như: Quảng Bình 455 dự án (cấp huyện, xã), Hậu Giang 117 dự án, thành phố Đà Nẵng 79 dự án, Nam Định 61 dự án,...

Cũng có tình trạng, các địa phương phân bổ cho các dự án không thuộc danh mục kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước 3 năm 2013-2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, gồm: Thành phố Đà Nẵng tại hầu hết các dự án BT; Bình Định 73 dự án; Đắk Lắk 27 dự án; Gia Lai 21 dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.