Nhiều chủ tàu cá mất khả năng trả nợ do hoạt động không hiệu quả

Tổng số tiền các chủ tàu cá được vay tại các ngân hàng thương mại trong tỉnh Trà Vinh để đóng mới tàu là 144,603 tỷ đồng nhưng hầu hết các tàu cá này sản xuất không hiệu quả.
Tàu cá neo đậu trên vùng biển của Việt Nam. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chính sách phát triển thủy sản đã tạo điều kiện cho ngư dân tỉnh Trà Vinh mạnh dạn vay tiền đóng tàu cá công suất lớn để làm ăn lớn, nhưng điều đáng nói là hiện nay việc thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Trà Vinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ đóng mới 23 tàu cá.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt đóng mới 11 tàu và tất cả các tàu cá này đã đi vào hoạt động; trong đó có 6 tàu vỏ gỗ và 5 tàu vỏ thép. Tổng số tiền các chủ tàu cá được vay tại các ngân hàng thương mại trong tỉnh để đóng mới tàu là 144,603 tỷ đồng.

Việc phát triển tàu cá có công suất lớn, vươn khơi khai thác các vùng biển xa với mục đích nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các tàu cá này tại Trà Vinh sản xuất không hiệu quả, thậm chí có 2 tàu vỏ thép phải nằm bờ.

[Giải pháp nào cho tàu cá nằm bờ ở Kiên Giang trở lại biển?]

Hai tàu này làm nghề dịch vụ hậu cần do ông Nguyễn Văn Hạnh, khóm 4, thị trấn Định An, huyện Trà Cú làm chủ, từ tháng 6/2018 đến nay không tìm được khách hàng để hoạt động dịch vụ hậu cần nên không có nguồn thu để trả nợ gốc và lãi.

Hiện ông Nguyễn Văn Hạnh xác định không còn khả năng hoạt động dịch vụ hậu cần và đang tìm chủ sở hữu mới để chuyển đổi chủ tàu theo quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, phần lớn các tàu cá trên hoạt động không hiệu quả do chủ tàu không có kinh nghiệm hoạt động trên các vùng biển xa.

Thêm nữa, từ khi đưa vào hoạt động, nguồn lợi hải sản trên các ngư trường giảm trong khi chi phí đầu vào như lương thực, thực phẩm, nước đá, thuyền viên, giá dầu… đều tăng. Từ đó, các chủ tàu chậm trả nợ gốc và lãi cho các ngân hàng theo đúng kỳ hạn quy định.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang lo lắng việc xử lý nợ có khả năng kéo dài, tài sản lớn mau xuống cấp, mất giá trị nhanh, khó chuyển nhượng…

Hiện, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Trà Vinh đề xuất biện pháp khởi kiện khách hàng, phát mãi toàn bộ tài sản đảm bảo nhanh chóng thu hồi nợ đối với khoản vay của ông Đặng Văn Trung, ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (đóng mới 2 tàu vỏ gỗ làm nghề lưới rê).

Đối với hộ ông Nguyễn Văn Hạnh (đóng 2 tàu vỏ thép làm nghề dịch vụ hậu cần), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh tỉnh Trà Vinh cũng đã đưa ra biện pháp khởi kiện khách hàng, bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ khi xác định chủ tàu không còn năng lực tiếp tục hoạt động.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh để có hướng chỉ đạo xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục