Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu sang Tây Ban Nha

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đạt 3,54 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu sang Tây Ban Nha ảnh 1Nửa đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt xấp xỉ 1,95 tỷ USD. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với nhiều cơ hội tăng tốc xuất khẩu những mặt hàng như nông sản, dệt may… cũng với việc tận dụng ưu thế của hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều dư địa tăng tốc phát triển sang thị trường Tây Ban Nha.

Triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tây Ban Nha có nền tảng tốt đẹp và nhiều triển vọng phát triển rực rỡ hơn nữa trong tương lai, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại nhờ vào nền kinh tế phát triển ổn định, năng động ở mỗi nước cũng như vị trí và vai trò của hai nước trong khu vực.

Cụ thể, trong 8 năm qua, thương mại song phương Việt Nam-Tây Ban Nha duy trì đà tăng trưởng tốt và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ 8/2020 đã tạo xung lực mới, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai bên khi, gần như 100% dòng thuế xuất nhập khẩu về 0% theo lộ trình từ 7-10 năm.

[Tây Ban Nha coi trọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên nhiều mặt]

Bên cạnh đó, vị trí chiến lược của hai nước nằm ở cửa ngõ những khu vực kinh tế quan trọng của châu Á và châu Âu giúp hai nước trở thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với gần 60 quốc gia trên thế giới, trong đó, những FTA quan trọng mở cửa nhiều thị trường lớn nhất thế giới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Khu vực mâụ dịch tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP)... giúp Việt Nam có khả năng trở thành một trung tâm quan trọng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Số liệu của Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho thấy, trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đạt 3,54 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021 (là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay), trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 2,96 tỷ USD, tăng 16,34% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Tây Ban Nha đạt 572,69 triệu USD, giảm 1,59% so với năm ngoái.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu sang Tây Ban Nha ảnh 2Gạo là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Riêng nửa đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt xấp xỉ 1,95 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 1,63 tỷ USD (tăng 2,3%), nhập khẩu đạt 0,32 tỷ USD (tăng 14,2%). Như vậy, Việt Nam duy trì con số xuất siêu ở mức cao là 1,31 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao gồm: Gạo (217,1%), sản phẩm từ cao su (54,6%), hàng du lịch (75,4%), hàng dệt may (39,2%), giày dép các loại (47,6%), phương tiện vận tải-phụ tùng (21,8%), và đồ chơi-dụng cụ thể thao-bộ phận (145,9%).

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Mặc dù duy trì được mức xuất siêu cao, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng nhận định, những tháng đầu năm nay xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha đã và đang gặp nhiều khó khăn hơn thời gian trước.

Nguyên nhân chủ yếu do những khó khăn nội tại của thị trường và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nhiều chủng loại hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các nước châu Mỹ La tinh, nhất là đối với hàng thủy sản, rau quả, càphê, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ.

Báo cáo của Thương vụ cũng chỉ rõ, thực tế những năm qua cho thấy kim ngạch xuất khẩu thông thường sẽ tăng tốc vào nửa cuối của năm từ tháng 6, tháng 7 trở đi nên còn cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát triển sang thị trường này.

Mặc dù có nhiều cơ hội, song để ngày càng gia tăng thị phần hàng Việt tại đây, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến nghị đối với bộ, ngành cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành để xúc tiến hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư, trong đó có việc kết hợp lồng ghép với tổ chức tọa đàm doanh nghiệp hai nước. Bởi từ ngày 1/7, Tây Ban Nha đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu (EC).

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu sang Tây Ban Nha ảnh 3Hiệp định EVFTA là chất xúc tác thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam-Tây Ban Nha. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên cạnh đó, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ xem xét thông báo mời tới các Đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư và các Phòng Thương mại nước ngoài tại Việt Nam về Chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế tổ chức từ ngày 13-15/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tại sự kiện có bố trí không gian bàn tròn kết nối giao thương trực tiếp giữa đại diện thương mại của từng nước với các đại diện doanh nghiệp trong nước và khách tham dự sự kiện này.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, cần tăng cường phối hợp với Thương vụ trong công tác xác minh đối tác sở tại (về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, cơ sở vật chất, yêu cầu sản phẩm, chất lượng, thị trường tiêu thụ-kênh phân phối và uy tín) trước khi đi đến đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương để trách tình trạng bị “lừa đảo, chiếm đoạt hàng hóa, chiếm dụng vốn, trây ì hay không thanh toán tiền hàng…"

Hiện Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như phối hợp với CEOE, ACOCEX, ASEMPEA và liên hệ tới các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, mạng lưới doanh nghiệp liên quan quảng bá và tổ chức các đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam tham gia Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ ngày 13-15/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, tiếp cận làm việc với một số tập đoàn lớn sở tại như Tập đoàn INDITEX về hợp tác đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực dệt may và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi về nhu cầu, xu thế tiêu dùng và yêu cầu kỹ thuật sản phẩm… trong thời gian tới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.