Nhiều cơ hội giúp doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Đông Bắc Á

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Bắc Á đạt trên 112 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023

Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Bắc Á đạt trên 112 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Bắc Á đạt trên 112 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Bộ Công Thương, khu vực Đông Bắc Á là thị trường có quy mô dân số lớn với khoảng 1,6 tỷ dân bao gồm những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiện các đối tác quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á đều đã ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do cả song phương và đa phương với Việt Nam như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP… Đây chính là nhân tố hỗ trợ phát triển trao đổi thương mại, đầu tư với các nước trong khu vực Đông Bắc Á đồng thời giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.

Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất-tỷ giá. Các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.

Đứng trước những khó khăn thách thức đó, Bộ Công Thương Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ duy trì trao đổi thương mại với tất cả các đối tác, đặc biệt là những đối tác quan trọng tại khu vực Đông Bắc Á.

Kết thúc năm 2023, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% trở thành điểm sáng xuất khẩu của các nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm. Xuất khẩu sang các thị trường còn lại tại khu vực Đông Bắc Á giảm nhẹ, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc giảm 4%...

IMG_9335_482b3.jpeg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng dự Lễ Khai trương Gian hàng Việt Nam trong Khu Thí điểm thương mại tự do Vân Nam, Trung Quốc tháng 4/2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bước vào năm 2024, trước những nhận định không khả quan về triển vọng kinh tế thế giới 2024 từ Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Bộ Công Thương xác định cần tiếp tục bám sát tình hình, duy trì và thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương với tất cả các đối tác trên thế giới.

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm Bộ Công Thương được giao tại Nghị Quyết 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

Khai thác lợi thế các FTA

Đối với các đối tác trong khu vực Đông Bắc Á, công tác thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm 2024.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) thông tin, các đơn vị chức năng đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại để thúc đẩy hợp tác song phương về thương mại, công nghiệp, năng lượng thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao tới Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều cơ chế hợp tác mới được xây dựng đã góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp qua đó thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh doanh với các đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, thúc đẩy và phối hợp với đối tác các nước triển khai những nội dung hợp tác đã thống nhất tại các kỳ họp ủy ban hỗn hợp và bản thỏa thuận, kế hoạch hành động (Kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại; Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giai đoạn 2024-2026 với Quảng Tây; Thành lập Trung tâm Chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu Việt Nam-Hàn Quốc)…

Cùng với đó, trao đổi, xây dựng các cơ chế hợp tác mới (Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản với Bộ Thương mại Trung Quốc; Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại với chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông; Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại 150 tỷ với Hàn Quốc...).

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường, hướng dẫn tiếp cận thị trường các nước khu vực Đông Bắc Á; tổ chức hội nghị, tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, RCEP, EVFTA, VKFTA…) nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nắm và khai thác lợi thế từ các FTA thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu.

376037170_2534840180006245_7529922969240467241_n.jpeg
Đẩy mạnh các cơ hội giao thương, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhấn mạnh về công tác thị trường, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất khẩu, đồng thời phối hợp và hỗ trợ các địa phương tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn tại các cửa khẩu biên giới, tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nông sản mùa vụ của Việt Nam như vải thiều, gạo, sầu riêng, thanh long sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với những nỗ lực đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Bắc Á đạt trên 112 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 14,3%, Hàn Quốc tăng 8,8%, Nhật Bản tăng 3,2%, Hongkong (Trung Quốc) tăng 59%.

"Để tiếp tục duy trì sự phục hồi như bốn tháng đầu năm 2024, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa đối với thương mại, kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ phát triển ngoại thương của Việt Nam, trong đó khu vực Đông Bắc Á với những thị trường quan trọng sẽ được xác định làm trọng tâm thúc đẩy," đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.