Nhiều cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản

Ông Tsutomu Takebe, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Việt, cho rằng Việt Nam-Nhật Bản cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam vốn có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp nhưng chưa tận dụng được tối đa lợi thế này. Trong khi đó, tài nguyên thiên nhiên của Nhật Bản tuy không nhiều nhưng Nhật Bản lại là nước có nền nông nghiệp hiện đại nhờ thực hiện nhiều chính sách phù hợp.

Chính vì vậy, việc hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản để áp dụng vào thực tế tại Việt Nam là rất thiết thực. Đặc biệt, Nhật Bản cũng đang quan tâm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Tsutomu Takebe, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật Việt để tìm hiểu rõ về cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

- Ông đánh giá thế nào về nền nông nghiệp của Việt Nam hiện nay?

Ông Tsutomu Takebe: Trong khu vực châu Á, Việt Nam là nước có nền kinh tế với mức tăng trưởng khá lớn. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất to lớn. Nếu trong thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản có thể thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp thì điều này sẽ có khả năng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới.

Từ trước đến nay, Việt Nam tập trung phát triển công nghiệp hóa đất nước. Tôi cho rằng công nghiệp hóa là cần thiết nhưng Việt Nam cần phải nhận thức lại về tiềm năng nông nghiệp của mình và có phương hướng, định hướng phát triển tốt trong thời gian tới.

Hiện nay, tiềm năng về nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn, nhưng năng suất trong nông nghiệp còn thấp và các nông sản của Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, như an toàn thực phẩm, để có thể xuất khẩu, làm tăng giá trị gia tăng.

Để giải quyết các vấn đề về tiêu chuẩn quốc tế, tăng năng suất lao động, Việt Nam có thể học tập rất nhiều từ Nhật Bản. Trong quá trình hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước, Việt Nam không chỉ học tập về những mô hình thành công mà còn phải chú ý đến những thất bại của Nhật Bản để tránh gặp phải trong tương lai.

Ví dụ, hiện nay tình trạng lao động ở nông thôn Nhật Bản đang giảm sút rất mạnh, hầu như không có lao động trẻ mà chỉ có người già, làm mất đi dần sức sống nông thôn. Ngay cả những lễ hội truyền thống ở nông thôn Nhật Bản cũng không còn đậm nét như xưa.

Do đó, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, khu vực nông thôn của Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với những vấn đề như Nhật Bản đã gặp.

Vì vậy, tôi cho rằng hai nước cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản và có định hướng đúng trong tương lai.

- Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà Nhật Bản đã triển khai để có thể áp dụng tại Việt Nam?

Ông Tsutomu Takebe: Năm 2001, tôi giữ chức Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản. Cũng tại thời điểm đó, dịch bệnh bò điên được phát hiện và chúng tôi đã xem xét, nghiên cứu, truy tìm kỹ nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh đó.

Chúng tôi nhận thấy ngay cả ở Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản lúc đó, việc quản lý hành chính mới chủ yếu quan tâm đến vấn đề người sản xuất chứ chưa chú trọng đầy đủ đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, ngay sau đó đã có những cải cách lớn đối với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản để chuyển dịch vấn đề quan tâm từ người sản xuất sang người tiêu dùng. Chúng tôi tìm hiểu xem người tiêu dùng mong muốn điều gì, từ đó có những ứng phó phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đưa ra một chính sách phát triển về nông nghiệp-nông thôn-nông dân, hay còn gọi là chính sách tam nông. Nếu nói một cách gần gũi về người dân thì chúng ta có thể hiểu nó gần giống như là làm sao có thực phẩm tươi, ngon, an toàn và làm sao có thể xây dựng nông thôn tươi đẹp. Nông thôn có những điểm mạnh mà đô thị không có được như không khí trong lành, cảnh quan đẹp, không bị ùn tắc giao thông... Ngược lại, đô thị lại có sức hấp dẫn như có công ăn việc làm, có tiện ích hạ tầng, trường học, giáo dục...

Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để kết nối giữa khu vực thành thị và nông thôn gần gũi nhau hơn và đem sự hấp dẫn của thành thị về nông thôn, để người dân nông thôn có thể hưởng được lợi ích đó. Từ đó, nó sẽ tạo ra sự cân đối trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

[Quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Nhật Bản phát triển tốt đẹp]

Theo tôi, thay vì chú trọng vào phát triển công nghiệp hóa thì Việt Nam nên chú trọng phát triển vào nông nghiệp và các ngành liên quan như gia công, chế biến thực phẩm... từ đó, tạo động lực to lớn để hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

- Từ những kinh nghiệm trên của Nhật Bản, theo ông, hai nước sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?

Ông Tsutomu Takebe: Theo tôi, có 3 điểm mà Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đầu tiên là nguồn nhân lực. Việt Nam có nguồn lao động trong nông nghiệp rất nhiều, trong khi đó Nhật Bản lại đang thiếu nguồn lao động này.

Thời gian qua, Nhật Bản tiếp nhận các tu nghiệp sinh người Việt Nam đến học tập và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vùng Hokaido - quê hương của tôi - cũng đang tiếp nhận các tu nghiệp sinh của Việt Nam. Tại đây, họ có thể học tập các kiến thức về nông nghiệp. Mùa Đông ở Hokaido rất lạnh, không thể canh tác được, nhưng các tu nghiệp sinh có thể làm việc tại các nhà máy chế biến, phân loại nông sản hay làm tại siêu thị, hợp tác xã để học hỏi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi các tu nghiệp sinh về Việt Nam thì họ có thể ứng dụng hoặc có được tạo điều kiện để phát huy các kinh nghiệm đã được học tại Nhật Bản vào thực tiễn hay không.

Và để tạo điều kiện cho các tu nghiệp sinh này có điều kiện áp dụng kinh nghiệm đã học được vào sản xuất nông nghiệp, bản thân lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng phải hiểu rõ về nông nghiệp của Nhật Bản, tức là họ cũng phải sang Nhật Bản để tìm hiểu, học tập không chỉ 1-2 tuần mà phải từ nửa năm đến 1 năm để hiểu và vận dụng được kiến thức đã học vào Việt Nam.

Thứ hai, Nhật Bản rất có kinh nghiệm trong việc hoàn thiện hạ tầng cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, ví dụ như đường sá, công trình thủy lợi...

Nhật Bản cũng có kinh nghiệm trong việc quy hoạch đất sản xuất phù hợp cho việc áp dụng máy móc cơ giới hóa, mang lại hiệu quả cao. Nếu chúng ta không hoàn thiện việc quy hoạch đất sản xuất theo chuẩn thì muốn áp dụng cơ giới hóa cũng rất khó. Ví dụ, một mảnh đất chỉ khoảng 0,5ha thì không thể đưa máy cày vào đó được mà phải cần một diện tích đủ lớn.

Như vậy, với những kiến thức như cải tạo đất nông nghiệp, quy hoạch đất nông nghiệp..., Nhật Bản hoàn toàn có thể hợp tác với Việt Nam. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng để ứng phó với thiên tai cũng là một lĩnh vực hợp tác mà theo tôi là rất tiềm năng.

Thứ ba, Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác không chỉ trong sản xuất nông nghiệp mà cả các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến, gia công nông sản... Vấn đề này đang được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và có khả năng hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.

Thông qua những vấn đề tôi đã nêu, nếu hai nước thúc đẩy hợp tác mạnh trong lĩnh vực này thì nền nông nghiệp nói riêng cũng như kinh tế của Việt Nam nói chung sẽ phát triển hơn, đồng thời đem lại lợi ích cho cả hai bên.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.