Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội tạm dừng hoạt động

Việc các cơ sở giết mổ tập trung phải dừng hoạt động không chỉ gây thiếu hụt cục bộ lượng sản phẩm động vật ra thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các hoạt động giết mổ chui.
Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội tạm dừng hoạt động ảnh 1Kiểm định chất lượng gia súc sau khi giết mổ. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tính từ ngày 24/7 khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 41/106 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 38,7%).

Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở không đáp ứng được điều kiện sản xuất “3 tại chỗ." Điều này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm có nguồn gốc động vật ra thị trường.

Tổng lượng động vật đưa vào giết mổ giảm 13,14%, trong đó sản lượng thịt lợn giảm 55,8%; thịt gia cầm giảm 11,3%; sản lượng động vật được kiểm soát giết mổ giảm 31,45%. Tổng số động vật qua kiểm dịch giảm 38,73%. Lượng sản phẩm động vật qua kiểm dịch giảm 8,97%.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng lưu ý việc các cơ sở giết mổ tập trung phải dừng hoạt động không chỉ gây thiếu hụt cục bộ lượng sản phẩm động vật ra thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các hoạt động giết mổ, gia súc gia cầm nhỏ lẻ, giết mổ chui.

[Đắk Nông: Phát hiện hai cơ sở giết mổ lợn nhiễm bệnh bán ra thị trường]

Tình trạng này kéo dài sẽ gây bất ổn thị trường, giá cả sản phẩm tăng, nhất là từ nay đến cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt các loại tăng cao. Vì thế, cần có các giải pháp hữu hiệu để sớm ổn định tình hình.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó, có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp tại huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm; 58 cơ sở bán công nghiệp; 673 cơ sở giết mổ thủ công.

Hiện nay, các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung đa số hoạt động chưa hết công suất (một số cơ sở chỉ hoạt động được 15-30% công suất thiết kế).

Để đảm bảo lượng thịt gia súc, gia cầm cung cấp cho thị trường, giải pháp trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tập trung phương án đưa về các cơ sở giết mổ có đủ điều kiện giết mổ, yêu cầu những cơ sở này tăng công suất để bù đắp lượng thực thịt thiếu hụt hàng ngày.

Đồng thời, Sở đề nghị các huyện, thị xã có cơ sở giết mổ thời gian qua phải tạm dừng hoạt động, cần huy động mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo có phương án giết mổ đúng quy định được chính quyền phê duyệt chấp thuận hoạt động trở lại.

Về phía Sở Công Thương Hà Nội, với chức năng đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội, cơ quan này sẽ tổ chức làm việc với lò mổ, doanh nghiệp cung ứng thịt cho thị trường Hà Nội, từ đó xác định lý do những đơn vị này tăng giá bán.

Nếu “đầu vào” tăng cao, Sở Công Thương Hà Nội sẽ thực hiện việc kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ có nguồn hàng ổn định, giá rẻ.

Hiện nay, tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng không xảy ra hiện tượng tăng giá bán mặt hàng thịt lợn.

Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín, Hà Nội) khẳng định giá thịt lợn của công ty xuất ra ổn định hơn 2 tháng nay. Hiện, công ty chỉ xuất hàng cho một số siêu thị như Aeon, MegaMarket, BigC... Do đó, giá cả được ký hợp đồng ổn định, không có chuyện lợi dụng tăng giá trong thời điểm này.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Nội cho biết đơn vị không nhận được yêu cầu tăng giá bán thịt lợn từ các nhà cung cấp. Những đơn vị này đã cam kết giữ nguyên giá bán cho siêu thị từ nay đến khi thành phố Hà Nội dừng giãn cách xã hội.

Kết quả khảo sát tại một số chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn Hà Nội vào ngày 1/9 cho thấy giá thịt lợn khá ổn định, tại một số chợ có tăng nhẹ theo biến động thị trường.

Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội tạm dừng hoạt động ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chị Phạm Thị Nụ, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà cho hay hiện nay giá thịt lợn tại chợ dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg. Mức giá này ổn định khoảng 3 tuần nay.

Do giãn cách, người dân đi chợ bằng phiếu nên lượng hàng bán ra giảm 1/3 so với trước đây.

Tại chợ Kim Liên, Nam Đồng (quận Đống Đa), chợ Hôm Đức Viên, giá bán mặt hàng thịt lợn cũng không tăng giá so với tuần trước. Hiện, thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg, thịt thăn 120.000 đồng/kg, dọi quế 150.000 đồng/kg, thịt mông 130.000 đồng/kg, nạc vai, bắp chân giò 145.000 đồng/kg, sườn thăn 180.000 đồng/kg.

Trước việc một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải dừng hoạt động, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý mặt hàng thịt lợn, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của thương lái, nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra tại đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn, chú trọng các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp.

"Lực lượng quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ. Chủ động phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý về giá, kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng phải thực hiện kê khai giả, niêm yết giá; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhất là đối với mặt hàng thực phẩm, y tế. Với những trường hợp vi phạm, lực lượng sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật," ông Nguyễn Minh Hùng khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục