Thương hiệu Petrolimex của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng khi có rất nhiều cửa hàng xăng dầu không thuộc hệ thống Petrolimex nhưng vẫn ngang nhiên sử dụng các nhãn hiệu Petrolimex đã được pháp luật bảo hộ.
Thực tế khảo sát của phóng viên tại tỉnh Hòa Bình cho thấy tình trạng vi phạm thương hiệu Petrolimex khá phổ biến tại hàng chục cửa hàng xăng dầu dọc theo quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình.
Các doanh nghiệp tư nhân này đã ngang nhiên "lập lờ đánh lận con đen," vi phạm Luật Sở hữu Trí tuệ khi công khai sử dụng bộ nhận diện thương hiệu Petrolimex. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tự ý sử dụng nhãn hiệu Petrolimex hoặc chữ “P” trên mái cửa hàng, dán nhãn hiệu chữ “P” ở cột bơm xăng hay sơn màu diềm mái cửa hàng (cam và xanh dương) y hệt của Petrolimex.
Giám đốc chi nhánh xăng dầu Hòa Bình (Công ty Xăng Dầu Hà Sơn Bình-Petrolimex) Đỗ Xuân Hồng cho biết hiện có tới 29/69 cửa hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hòa Bình không thuộc hệ thống của Petrolimex đang vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ của Petrolimex.
Điển hình, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tiến Mai (Cầu Sỏi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã vi phạm toàn phần nhãn hiệu Petrolimex.
Theo ông Hồng, mặc dù Petrolimex đã nhiều lần gửi thư khuyến cáo tới các đơn vị vi phạm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra công khai suốt từ năm 2015 đến nay. Việc vi phạm này là nghiêm trọng khi Chính phủ đang nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch theo đúng Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Chi nhánh Xăng Dầu Hòa Bình cũng đã nhiều lần báo cáo với các cơ quan chức năng liên quan để can thiệp nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp mạnh tay nào xử lý triệt để các vi phạm này, ông Hồng nhấn mạnh.
Việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex nói riêng đã làm ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của Petrolimex, gây nhầm lẫn. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khi mua phải các sản phẩm xăng dầu không đảm bảo chất lượng và không đủ về số lượng, ông Hồng khẳng định.
Theo nhiều chuyên gia, việc bảo vệ thương hiệu được thực thi rất nghiêm ngặt tại hầu hết các nước trên thế giới nhằm bảo vệ quyền lợi không chỉ của doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Việc vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ có thể khiến doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt nặng về tài chính, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh hay bị kiện ra tòa án./.