Nhiều doanh nghiệp châu Âu rút khỏi Iran tránh lệnh trừng phạt

Hãng vận tải dầu Maersk Tankers, Đan Mạch sẽ ngừng hoạt động kinh doanh ở Iran nhằm tránh vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ tái áp dụng lại với quốc gia Hồi giáo này.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu rút khỏi Iran tránh lệnh trừng phạt ảnh 1Hãng vận tải dầu Maersk Tankers. (Nguồn: worldmaritimenews)

Ngày 17/5, hãng vận tải dầu Maersk Tankers của Đan Mạch thông báo sẽ ngừng hoạt động kinh doanh tại Iran nhằm tránh vi phạm các lệnh cấm vận mà Mỹ tái áp dụng lại đối với quốc gia Hồi giáo này sau khi Wasington vừa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015.

Trong thông báo, Maersk Tankers cho biết sẽ thực hiện các thỏa thuận với khách hàng ký trước ngày 8/5 vừa qua song sẽ giảm dần từ ngày 4/11 tới theo yêu cầu của các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt đối với Iran.

Tổng Giám đốc Điều hành Maersk Soren Skou cho biết với các lệnh trừng phạt của Mỹ, các doanh nghiệp không thể làm ăn tại Iran nếu vẫn muốn kinh doanh tại Mỹ.

Ông Skou không đưa ra thời gian chính xác về việc rút khỏi hoạt động kinh doanh tại Iran song khẳng định việc này sẽ xảy ra.

[Liên minh kinh tế Á-Âu ký thỏa thuận thương mại tạm thời với Iran]

Ngoài ra, theo ông Skou, giá dầu mỏ tăng cao sau quyết định của Tổng thống Mỹ cũng ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của doanh nghiệp này.

Maersk công bố quyết định trên chỉ một ngày sau khi Tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp, Total cùng nhiều doanh nghiệp châu Âu tiết lộ ý định rút khỏi Iran trước khi các lệnh trừng phạt áp dụng trở lại.

MSC, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới chỉ sau Maerk ngày 16/5 cũng tuyên bố ngừng nhận đơn vận chuyển hàng mới tới Iran.

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới dự kiến cũng sẽ giảm hoạt động kinh doanh tại Iran như hãng bảo hiểm Allianz, hãng công nghệ Siemens.

Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015.

Nội dung chính của JCPOA yêu cầu Iran kiềm chế chương trình hạt nhân, đổi lại cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này.

Tuy nhiên, hôm 8/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, đồng thời sẽ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran bất chấp sự thuyết phục của các đồng minh EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.