Mặc dù hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu đi nhiều nước, nhưng tại một số thị trường, doanh nghiệp còn chưa chú trọng đến việc quảng bá, bảo hộ thương hiệu nhằm tạo ra giá trị lớn hơn cho hàng Việt.
[Thủ tướng: 'Cái khó không phải năng lực sản xuất mà là thị trường]
Ít đầu tư vào khâu chế biến
Theo ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), trước đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thu mua sản phẩm của Việt Nam sau đó gia công, chế biến và gắn thương hiệu của họ vào để bán tại thị trường này. Chính vì vậy, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đem lại giá trị cao khi xuất khẩu.
Nhưng gần đây, nhiều sản phẩm như gạo, thanh long và càphê bắt đầu xuất hiện trên thị trường Trung Quốc với thương hiệu Việt Nam. Dù vậy, ông Việt Anh cho rằng, sự chủ động của các doanh nghiệp còn chưa cao, chưa chú trọng xây dựng quảng bá và bảo hộ thương hiệu.
"Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã cảnh báo doanh nghiệp về vấn đề này nhưng các doanh nghiệp lại ít quan tâm, chỉ trao đổi về vấn đề tìm đối tác và các thủ tục mở văn phòng đại diện tại nước sở tại," ông Đào Việt Anh cho hay.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt con số 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu nông sản ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016, thủy sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18% và các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,97 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Australia vẫn chỉ ở dạng thô. Ví dụ, mặt hàng điều chiếm 90% thị trường nước bạn nhưng dưới hình thức là các doanh nghiệp Australia nhập khẩu hạt điều thô và chế biến lại rồi bán với giá cao.
Trong khi đó, bà Vũ Việt Nga, Tham tán Thương mại tại Phillipines cho hay, các sản phẩm của Việt Nam như: cá tra, cá basa rất được ưa chuộng tại thị trường này và có mặt tại nhiều nhà hàng và siêu thị của Phillipines, nhưng thực tế thị trường lại không biết đó là sản phẩm của Việt Nam.
"Mặc dù thương vụ tại Phillipines đã trao đổi với địa phương và các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, các Hiệp hội và doanh nghiệp lại ít quan tâm tới công tác quảng bá sản phẩm," bà Vũ Việt Nga nói.
- Kim ngạch xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2016-2017:
Tham tán phải là cầu nối đưa hàng hóa ra nước ngoài
Hiện nay, nhiều mặt hàng như dệt may, da giày của Việt Nam đã khẳng định vị thế tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc... Hơn thế, nhiều doanh nghiệp đã biết đầu tư, chế biến sâu để tạo ra giá trị cao cho sản phẩm.
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, thị trường Nhật Bản đánh giá cao nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt với việc lô thịt gà được xuất khẩu sang Nhật đã chứng minh cho sản phẩm nông sản của Việt Nam đã qua “phép thử” tại thị trường khó tính này.
Hoặc với một doanh nghiệp tiêu biểu như Vĩnh Hoàn, công ty này đã tập trung xuất khẩu theo hướng chế biến cá tra theo khẩu vị của người tiêu dùng Australia và bán được với giá cao...
Nói về vai trò của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của toàn ngành Công Thương.
Thứ trưởng cũng lưu ý các thương vụ cần phát huy hơn nữa tính chủ động, để xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ở tất cả các thị trường, đồng thời suy nghĩ, tìm tòi nhằm kết nối cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước sở tại.
Ở những thị trường mà Việt Nam còn nhập siêu, phấn đấu để xuất khẩu của Việt Nam phải tăng nhanh hơn nhập khẩu; chú ý đến các rào cản, chính sách nước sở tại và thị trường có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu. Đặc biệt, tham tán thương mại cần nắm vững cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng như "luật chơi" để không rơi vào thế bị động.
"Tới đây, tham tán thương mại Việt Nam sẽ còn nhận được nhiều đề nghị, giúp đỡ từ doanh nghiệp trong nước. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến ý kiến và phản ứng của doanh nghiệp," Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ở góc độ chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các Thương vụ, Tham tán thương mại cần chuyển mình theo hướng kiến tạo, phục vụ tối đa cho các hoạt động doanh nghiệp, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại cũng như kết nối chặt chẽ với các Bộ, ngành của nước sở tại để tạo cơ sở thuận lợi khi giải quyết các vấn đề phát sinh.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các tham tán thương mại cần tập trung vào nhiệm vụ thúc đẩy phê chuẩn các FTA vừa ký, phổ biến các FTA đã ký, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tận dụng FTA để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để khai thác các cơ hội do FTA mang lại./.