Nhiều doanh nghiệp Đức lạc quan về cải thiện quan hệ với Nga

Ông Wolfgang Buechele, Chủ tịch Ủy ban Đức về Quan hệ Kinh tế Đông Âu nhận định cường độ trao đổi giữa hai nước Đức và Nga đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua.
Nhiều doanh nghiệp Đức lạc quan về cải thiện quan hệ với Nga ảnh 1Doanh nghiệp Đức lạc quan sau cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Putin. (Nguồn: mshcdn.com)

Ngày 16/8, đại diện nhiều doanh nghiệp của Đức đã bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh tới đây giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đánh dấu một bước tiến xa hơn trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Wolfgang Buechele, Chủ tịch Ủy ban Đức về Quan hệ Kinh tế Đông Âu nhận định cường độ trao đổi giữa hai nước Đức và Nga đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua.

Đây là sự phát triển tích cực và là một tín hiệu tốt đẹp góp phần cải thiện quan hệ hai nước. Ông Buechele cho biết những đề xuất mới của Tổng thống Nga Putin về tương lai tiến trình hòa bình ở Ukraine trong cuộc hội đàm, dự kiến diễn ra vào ngày 18/8 tới đây, có thể mở ra một "chương trình nghị sự tích cực mới" cho các mối quan hệ giữa châu Âu và Nga.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Wolfgang Buechele cũng cho rằng một sự bình thường hóa thực sự trong hợp tác quốc tế giữa Moskva và Berlin chỉ có thể đạt được chỉ khi trở ngại chính giữa hai nước là vấn đề Ukraine được xóa bỏ.

[Lãnh đạo Nga, Đức thảo luận nhiều vấn đề quốc tế quan trọng]

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh việc Nga gần đây đưa ra các đảm bảo để tiếp tục sử dụng Ukraine như một nước quá cảnh để vận chuyển khí đốt cho các nước khu vực châu Âu là rất đáng khích lệ trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, Ủy ban Đức về Quan hệ Kinh tế Đông Âu đã nhiều lần cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga sẽ gây nhiều thiệt hại cho các công ty và doanh nghiệp của Đức, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc 2."

Mặc dù Mỹ và một số nước Đông Âu, trong đó có Ukraine và Ba Lan, đã chỉ trích dự án này mang động cơ chính trị và không có giá trị kinh tế, song các lãnh đạo doanh nghiệp Đức vẫn kiên định và giữ vững quan điểm ủng hộ của mình đối với "Dòng chảy phương Bắc 2."

Theo các số liệu thống kê mới nhất, thương mại giữa hai nước Đức - Nga trong năm 2017 đã tăng trở lại lần đầu tiên trong 5 năm qua với tổng giá trị lên tới 57 tỷ euro (khoảng 64,8 tỷ USD). Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp Đức sang Nga cũng đạt 26 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.