Thị trường đồ gỗ, nội thất và thủ công mỹ nghệ Hoa Kỳ dự báo sẽ tăng trưởng tốt và còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao thị phần.
Đây là thông tin được các chuyên gia cung cấp tại Hội hảo trực tuyến "Cơ hội xuất khẩu đồ gỗ & thủ công mỹ nghệ sang Hoa Kỳ năm 2021 do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) tổ chức, ngày 5/3.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hawa, thông tin năm 2020 hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ngành gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt kim ngạch trên 13 tỷ USD.
Riêng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 7 tỷ USD, tăng trưởng 34% so với năm 2019. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
[Kiểm soát rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ]
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe và kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Chính vì vậy, để khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật hệ thống luật pháp và các quy định liên quan để đáp ứng đầy đủ và phòng tránh các rủi ro về thương mại.
Bà Julie Hundersmarck, chuyên viên Cục lâm nghiệp Hoa Kỳ, chia sẻ tỷ lệ kiểm tra hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ chỉ chiếm từ 1-2% tổng số đơn hàng nhưng các cơ quan quản lý có nhiều công cụ khác nhau để đảm bảo sự tuân thủ quy định gỗ hợp pháp thông qua giám sát chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến sản phẩm.
Theo bà Julie Hundersmarck, xuất khẩu đồ gỗ, nội thất vào Hoa Kỳ mặc dù có sự cạnh tranh từ nhiều khu vực nhưng các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ vẫn xác định ưa chuộng các nhà cung ứng ở khu vực châu Á; trong đó, có Việt Nam.
Cục lâm nghiệp Hoa Kỳ đang phát triển thiết bị thẩm định gỗ và thời gian tới sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc kiểm soát tốt hơn nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Hoa Kỳ, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Phân tích về tiềm năng của thị trường đồ gỗ, nội thất Hoa Kỳ, ông Thomas Russell, Biên tập viên cao cấp Tạp chí Furniture Today cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường đồ gỗ và nội thất Hoa Kỳ có nhiều biến động, một số nguồn cung bị gián đoạn và xu hướng tiêu dùng thay đổi. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đều đánh giá nhu cầu thị trường sẽ phục hồi tích cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, để thích ứng với tình hình mới, người dân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc, học tập tại nhà. Do đó, nhu cầu sản phẩm nội thất có sự linh hoạt, đáp ứng yêu cầu làm việc tại nhà như bàn làm việc, tủ hồ sơ, kệ sách sẽ tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, thị trường nhà ở Hoa Kỳ đang có xu hướng phát triển mạnh khi Chính phủ cho vay lãi suất thấp, nhiều gia đình ưu tiên xây mới hoặc sửa chữa nhà cửa cũng thúc đẩy hoạt động mua sắm nội thất, bàn cà phê, bàn ghế ăn thông dụng bán rất chạy.
Không chỉ có nội thất cơ bản, các sản phẩm trang trí trong gia đình, đồ thủ công mỹ nghệ cũng được tiêu thụ mạnh do nhu nhu cầu trang trí không gian sống trong thời gian chịu ảnh hưởng dịch bệnh tăng lên.
Năm 2020, doanh thu của nhóm sản phẩm nội thất tại Hoa Kỳ đạt 115 tỷ USD và dự báo sẽ đạt mức 143 tỷ USD trong khoảng 5 năm tới. Trong đó, sản phẩm sofa sẽ đạt doanh thu 22 tỷ USD, trong khi giường ngủ ở mức 21 tỷ USD, các dòng nội thất cho phòng trẻ em, giải trí, phòng ăn, nhà bếp đều tăng trên 20%.
Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực đồ gỗ tại Hoa Kỳ, con số này hoàn toàn có cơ sở khi các khảo sát thị trường cho thấy sự quan tâm và mức độ chi tiêu của người tiêu dùng cho sản phẩm đồ gỗ và nội thất vẫn tăng lên kể cả thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, trong khi nhiều mặt hàng khác đã sụt giảm thấy rõ. Hệ thống cửa hàng phân phối, bán lẻ đồ gỗ, trang trí nội thất tại Hoa Kỳ tăng lên nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần nhạy bén trong việc lựa chọn đầu tư, thường xuyên giới thiệu sản phẩm mới, tiện nghi hơn và phát triển nhiều kênh thương mại để thu hút khách hàng một cách hiệu quả./.