Nhiều hoạt động đặc sắc trong ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Chăm

Các hoạt động trong ngày hội nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu, phát huy các giá trị di sản văn hóa đồng bào Chăm với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trong xu thế hội nhập đất nước.

Ngày 26/7, thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết "Bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Chăm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước" được chọn là chủ đề của Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ năm.

Ngày hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 13-16/8 tại tỉnh Phú Yên, mảnh đất của “hoa vàng cỏ xanh” với sự tham dự của các tỉnh, thành phố có đông đồng bào Chăm sinh sống.

Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như Liên hoan nghệ thuật quần chúng; trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống; triển lãm thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Chăm; giới thiệu nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, trích đoạn lễ hội dân gian. Bên cạnh đó là phần thi đấu các môn thể thao như kéo co, bóng đá, bóng chuyền, đẩy gậy, việt dã, đội nước...

Điểm nhấn của ngày hội là lễ khai mạc gắn với lễ trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho Di tích kiến trúc-nghệ thuật Tháp Nhạn diễn ra vào tối 14/8 tại thành phố Tuy Hòa.

Trong khuôn khổ ngày hội còn có đoàn Famtrip khảo sát các tuyến, điểm du lịch của tỉnh Phú Yên và hội nghị kết nối các tuyến, điểm du lịch Phú Yên với các tỉnh Nam Trung Bộ…

[Phát huy giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm]

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Chăm lần thứ năm năm 2019 tại Phú Yên là hoạt động gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước," Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/2/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự với đồng bào Chăm trong tình hình mới...

Các hoạt động trong ngày hội nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu, phát huy các giá trị di sản văn hóa đồng bào Chăm với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trong xu thế hội nhập đất nước.

Theo các nhà nghiên cứu, dân tộc Chăm có khoảng 180.000 người, sinh sống tại 35 huyện, thị xã của 10 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang.

Trong di sản văn hóa Việt Nam, dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…

Người Chăm là chủ nhân của một nền văn hóa rực rỡ, độc đáo trên dải đất miền Trung. Nhắc đến văn hóa Chăm, bất cứ ai cũng nhắc đến nền kiến trúc, điêu khắc phong phú và đặc sắc của dân tộc này. Các khu tháp và cả phế tích bằng gạch nung trải dài từ Quảng Bình cho đến Vũng Tàu, trong đó đỉnh cao là Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã được UNESCO công nhận là Di tích Văn hóa-lịch sử thế giới.

Tháp Nhạn ở Tuy Hòa là một tháp Chăm cổ, nằm trên núi Nhạn, được coi là thắng cảnh tiêu biểu của vùng đất Phú Yên. Đây còn là nơi thờ phụng thần linh của người Chăm xưa. Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 11, đầu thế kỷ 12. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) tháp bị hư hại một phần.

Năm 1960 tháp được tu bổ, những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp được hàn gắn. Năm 1988 Tháp Nhạn đã được công nhận là Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp quốc gia./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục