Ngày 18/8, Bảo tàng Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức họp mặt kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác Tôn, 35 năm thành lập Bảo tàng (1988- 2023).
Dịp này, Ban tổ chức tiếp nhận tư liệu liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng và ra mắt sách ảnh “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Tôn Đức Thắng.”
Tại buổi họp mặt, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng khẳng định Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sỹ đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam.
Trong cuộc đời mình, dù trên bất kỳ cương vị nào, là người thợ máy hay Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng: bình dị, thanh liêm chính trực, hết lòng vì nước, vì dân, sẵn sàng hy sinh, đặt lợi ích chung lên trên hết. Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với mọi người.
[Dâng hương tưởng niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng]
Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu; tăng cường giáo dục lý tưởng, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động, nhất là thế hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Sau buổi họp mặt, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức tổng kết, trao giải Hội thi vẽ tranh “Thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh với Bác Tôn” lần thứ 17 chủ đề “Bác Tôn trong trái tim em” và “Ước mơ của các em về Bảo tàng Tôn Đức Thắng trong tương lai.”
Ban Giám khảo trao 5 giải Nhất cho các thí sinh: Nguyễn Thị Phương Thư, Trường chuyên biệt Ánh Dương với tác phẩm “Bác Tôn đến thăm công nhân làm việc;” Nguyễn Khánh Quỳnh, Trung tâm Văn hóa Thể thao Quận 6 với tác phẩm “Em thăm Bảo tàng Bác Tôn;” Trần Xuân Uy, Lớp vẽ Đại học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh với tác phẩm “Bác Tôn đến thăm Bản Đôn;” Nguyễn Minh Anh, Trung tâm Văn hóa thành phố Thủ Đức với tác phẩm “Các em học sinh cùng nhau dọn dẹp phòng triển lãm về Bác Tôn” và nhóm thí sinh Nguyễn Khánh Vy, Huỳnh Thanh Đại, Huỳnh Gia Hưng, Trung tâm Văn hóa thành phố Thủ Đức với tác phẩm “Bác Tôn với thiếu nhi Thành phố.”
Ban Tổ chức trao 18 giải Nhì, 26 giải Ba và 37 giải Khuyến khích được trao cho thiếu nhi có tác phẩm đạt thành tích tại Hội thi.
Theo ông Phạm Thành Nam, Hội thi thu hút 512 thí sinh có tuổi từ 5-14 tuổi đến từ 37 đơn vị Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn, khiếm thính, khiếm thị tại các trường khiếm thính, chuyên biệt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, các thí sinh đến từ Nhà Thiếu nhi An Giang tham gia, với 495 tác phẩm.
Gần 500 tác phẩm tranh vẽ cá nhân và tập thể của thiếu nhi có nội dung xoay quanh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn và Bảo tàng Tôn Đức Thắng như “Em vẽ Bác Tôn,” “Bác Tôn và các bạn cùng đi chèo thuyền,” “Bác Tôn Đức Thắng đánh đàn cho các bé hát,” “Bà con An Giang vui hái sen cùng Bác Tôn,” “Viện Bảo tàng xanh”…
Cuộc thi vẽ tranh không chỉ là hoạt động vừa học vừa chơi, giúp phụ huynh yên tâm, tin tưởng mà còn là sân chơi bổ ích, lý thú cho các em dịp Hè. Cũng từ cuộc thi này, hình tượng Bác Tôn kính yêu ngày càng trở nên thân thương, gần gũi, được in đậm trong trí nhớ và tình cảm của các em, động viên thiếu nhi cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ-Bác Tôn.
Được nhận giải Nhất tại Hội thi vẽ lần này, thí sinh Nguyễn Thị Phương Thư (khiếm thính), Trường chuyên biệt Ánh Dương với tác phẩm “Bác Tôn đến thăm công nhân làm việc” không giấu được niềm vui bởi đây là thành quả từ việc học tập, rèn luyện bộ môn yêu thích.
Để có tác phẩm đoạt giải lần này, Phương Thư đã tham khảo nhiều tài liệu, qua đó càng hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn gắn liền với giai cấp công nhân Việt Nam./.