Nhiều mặt hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu tháng 10 hồi phục trở lại

Theo thống kê của Bộ Công Thương, với nhiều giải pháp đồng bộ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 10 đã khởi sắc trở lại, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Nhiều mặt hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu tháng 10 hồi phục trở lại ảnh 1Xuất khẩu tăng trở lại trong tháng 10/2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, cũng như các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, do vậy, hoạt động xuất khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực và tăng trưởng trong tháng 10/2023.

Nông nghiệp tiếp tục ghi điểm

Theo đại diện Bộ Công Thương, sau khi sụt giảm trong tháng 9, với mức giảm 6,3%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 10 đã khởi sắc trở lại, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Nhờ kết quả này, tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 291,28 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, thay vì mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.

[Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc]

Đi vào chi tiết từng ngành hàng cho thấy, tháng 10 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu, đơn cử, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục tăng 4,6%.

Dù vậy tính chung 10 tháng, xuất khẩu nhóm hàng này vẫn giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 247,34 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê cho thấy, 5/7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6% (đạt 44,02 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% (đạt 35,51 tỷ USD); hàng dệt may giảm 12,5% (đạt 27,8 tỷ USD); giày dép các loại giảm 20,2% (đạt 16,05 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9% (đạt 10,8 tỷ USD).

Trong nhóm này, chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 0,7% (ước đạt 47 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 18,1% (ước đạt 11,58 tỷ USD).

Bên cạnh đó, sự sụt giảm của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 10/2023 (giảm 51,1%) đã ảnh hưởng đến xuất khẩu chung của toàn ngành. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 3,27 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu tháng 10 hồi phục trở lại ảnh 2Kết nối doanh nghiệp vào các chuỗi cung ứng, để mở rộng thị trường và xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Có thể thấy, độ mở kinh tế lớn khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ sự thay đổi của kinh tế toàn cầu. Rõ rệt nhất là việc các nền kinh tế lớn - đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

“Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu,” đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Tuy vậy, trong 10 tháng vừa qua, điểm sáng nổi bật trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam lại nằm ở nhóm hàng nông, thủy sản. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng đã thu được giá trị xuất khẩu rất cao. Cụ thể, xuất khẩu hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 700 triệu USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 10 tháng đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp đến là mặt hàng gạo, mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm 1,8% trong tháng 10 nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 10 tháng, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, tăng 17% và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đẩy mạnh các giải pháp thị trường

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm do tác động chung của nhu cầu tiêu dùng thế giới. Đánh giá cho thấy, trong tháng 10/2023, cả nước đã chi khoảng 29,31 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa. Luỹ kế 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm, do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng. 

Tính lũy kế 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt gần 236 tỷ USD). Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,8% (ước đạt 71,02 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 60,4%; sắt thép các loại giảm 17,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 10,5%; vải các loại giảm 14,2%...

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 18% trong 10 tháng năm 2023, ước đạt 15,17 tỷ USD. Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 10 tiếp tục xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng năm 2023 là 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD).

Nhiều mặt hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu tháng 10 hồi phục trở lại ảnh 3Các FTA là cơ hội lớn để thúc đẩy hoạt động thương mại của Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2023, vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, cam kết, liên kết thương mại mới, nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng tiếp tục được đẩy mạnh.

Song song đó, cơ quan này cũng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

“Bộ sẽ tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường,” đại diện Bộ Công Thương cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.