Nhiều ngân hàng thương mại lãi lớn từ dịch vụ phi tín dụng

Nhờ đa dạng hóa nguồn doanh thu và tối ưu hóa chi phí hoạt động nên kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhiều ngân hàng đều tăng mạnh.
Nhiều ngân hàng thương mại lãi lớn từ dịch vụ phi tín dụng ảnh 1Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đến thời điểm cuối tháng Tư, đã có một số ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với lợi nhuận khả quan; trong đó nguồn thu chủ yếu đến từ phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) ghi nhận đà tăng trưởng ở nhiều chỉ tiêu quan trọng nhờ tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng và gia tăng thu nhập từ phí. Theo đó, tổng thu nhập thuần hợp nhất của MSB trong quý 1 đạt 2.406 tỷ đồng; trong đó thu nhập lãi thuần đạt hơn 1.964 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập từ phí tiếp tục có đóng góp lớn khi ghi nhận 336 tỷ đồng, tăng vượt trội 174% so với cùng kỳ năm 2021, với động lực chính đến từ phát hành thẻ tín dụng, dịch vụ bảo hiểm và hoạt động thanh toán.

[Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng]

Nhờ đa dạng hóa nguồn doanh thu và tối ưu hóa chi phí hoạt động nên kết thúc quý 1, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng này đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo MSB, tính đến hết tháng Ba, tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt 110.600 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2021, với đóng góp chủ yếu từ dư nợ bán lẻ. Số dư huy động từ khách hàng đạt hơn 96.203 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi của MSB gia tăng từ mức 35,84% của cuối năm 2021 lên mức 38,33%.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập từ lãi thuần đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 32,4% nhờ danh mục tín dụng được mở rộng và biên lãi thuần (NIM) ổn định. Các khoản thu nhập khác tại ngân hàng cũng ghi nhận nhiều tăng trưởng như thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 2.000 tỷ đồng, cao hơn 24% so với quý 1/2021, từ các khoản thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) tăng 35,3%; tiền và các khoản thanh toán tăng 55,1%.

Qua đó, lãi trước thuế tại ngân hàng này trong quý 1 đạt 6.785 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Tổng tài sản tính đến ngày 31/3 đạt 615.300 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 171.600 tỷ đồng. Ngân hàng vẫn giữ vị thế đầu ngành về tỷ lệ tiền gửi CASA và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lần lượt đạt mức 50,4% và 3,6%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,1%.

Cũng trong quý đầu năm nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.909 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó thu nhập lãi thuần quý 1 đạt 8.385 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ, chủ yếu do thu nhập lãi cho vay và thu lãi từ đầu tư chứng khoán nợ tăng mạnh.

Lãi từ hoạt động dịch vụ của MB quý 1 tăng 4,8% lên 1.117 tỷ đồng. Hiện thu từ kinh doanh dịch vụ bảo hiểm đóng góp lớn nhất vào thu hoạt động dịch vụ của MB. Đáng chú ý, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 98% lên 467 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đạt 1.124 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh khác lại kém khả quan, chỉ có lãi 538 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động quý 1 của ngân hàng đạt hơn 11.600 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động tăng 28% lên 3.598 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro ở mức 2.125 tỷ đồng, tăng 17,5%.

Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), kết thúc quý 1, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt hơn 4.100 tỷ đồng; trong đó thu nhập lãi thuần đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, thu nhập ngoài lãi đạt 650 tỷ đồng, đóng góp 16% vào tổng thu nhập hoạt động. Tăng trưởng tín dụng ở mức 6,1%, dư nợ gần 217.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng trưởng tốt ở mức 7,7%, đạt 302.000 tỷ đồng. 

Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng ấn tượng đến từ việc ngân hàng tập trung vào danh mục tín dụng bán lẻ chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro tập trung với gần 90% danh mục là cho vay bán lẻ và 95% có tài sản đảm bảo. Biên lãi thuần (NIM) cũng được cải thiện ở mức 4,5%, nhờ vào chi phí huy động vốn tiếp tục giảm 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ. NIM được mở rộng chủ yếu đến từ số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng hơn 40% và các khoản vay từ các định chế tài chính nước ngoài tăng gần 80% so với quý 1 năm trước. Các nguồn vốn giá rẻ này giúp VIB tiếp tục duy trì chi phí huy động ở mức thấp trong diễn biến lãi suất chung trên thị trường có dấu hiệu gia tăng nhẹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.