Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm 16/9 và cả ngày 17/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trong 12 giờ qua tại các trạm trên địa bàn tỉnh phổ biến 40-96mm. Mưa lớn đã gây ra nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Phổ Yên, vào 7 giờ 30 phút ngày 17/9, chị Nguyễn Thị Nhung, sinh năm 1968 trú tại Thành phố Thái Nguyên đi xe máy chở người nhà xuống huyện Phổ Yên, khi đi qua tràn Tân Ấp thuộc xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, xe máy tránh cành cây nên bị ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi.
Khi xảy ra sự cố, mực nước qua tràn cao khoảng 20cm. Người dân quanh khu vực đó đã cứu được một người, còn chị Nhung đã bị nước cuốn trôi mất tích, hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Ngoài ra, tại địa bàn huyện Võ Nhai, hai điểm trường bị tốc mái là phân hiệu trường tiểu học và phân hiệu trường mầm non Na Cà thuộc xã Vũ Chấn.
Thiệt hại về hoa mầu tập trung ở các huyện Võ Nhai, Phú Bình, Phú Lương với gần 200ha ngô, trên 900ha lúa và khoảng 200 cây keo bị gẫy đổ.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cho biết tại tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên vẫn đang có mưa, nên nước trên đầu nguồn đổ về rất lớn, mực nước tại các sông suối trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang lên cao, dự báo trong đêm nay mực nước tại sông Cầu (trạm thủy văn Gia Bảy-thành phố Thái Nguyên) có khả năng đạt đỉnh, xấp xỉ báo động cấp 1, tại Hồ Núi Cốc, nếu không xả lũ mực nước có khả năng lên đến báo động cấp 1 và trong hai ngày tới có khả năng lên đến báo động cấp 2.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các địa phương cùng các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn các hồ thủy lợi trên địa bàn, chủ động hạ thấp mức nước các hồ dưới báo động 1; rà soát những hộ dân ở khu vực có nguy cơ mất an toàn để chủ động sơ tán khi cần thiết; thực hiện tuyên truyền để người dân gia cố, chằng chống mái nhà để tránh gió lốc làm tốc mái; thường xuyên kiểm tra, đề phòng việc xả nước ở Hồ Núi Cốc sẽ làm cho mực nước Sông Công dâng cao gây ngập úng.
Còn tại Nghệ An, chiều 17/9, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An cho biết do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Nghệ An đã có ba người thương vong, trong đó có một người chết và hai người bị thương.
Tại huyện miền núi Kỳ Sơn có hai vợ chồng đều thường trú tại bản Sơn Thành, xã Tà Cạ bị nạn là chị Cụt Thị Hạnh (sinh năm 1965) bị chết và chồng là anh Kha Búa Thì (sinh năm 1963) bị thương nặng.
Nguyên do vào khoảng 16 giờ ngày 16/9, trong lúc đi làm rẫy, gặp mưa to đột ngột, hai vợ chồng chạy vào trong cống nước để tránh trú, nhưng do mưa lớn, đất trên núi sạt lở tràn xuống cống thoát nước, hai vợ chồng không kịp thoát ra ngoài nên bị nước lũ cuốn trôi.
Tại thị xã Hoàng Mai, khi tàu đánh cá NA 9986 TS tránh trú bão bị đứt dây neo khiến anh Nguyễn Hữu Tuấn (sinh 1982, trú quán tại xã Quỳnh Lập) bị thương nặng khi đang trên tàu.
Mặc dù bão số 3 không trực tiếp đổ bộ vào Nghệ An và trong những ngày qua lượng mưa cũng không lớn nhưng đã có ba người thương vong là bài học cảnh báo cho chính quyền địa phương và cho chính những người dân trong công tác phòng chống bão lũ.
Hiện trong mùa mưa bão, tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi, các vùng cửa sông, biển, nguy cơ sạt lở đất đá là rất lớn. Tuy nhiên, mặc cho những cảnh báo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp cùng chính quyền địa phương, một số người dân vẫn nhận thức chưa đầy đủ và có tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống bão lũ.
Ngay trong khi bão lũ đang đến gần, không ít người dân miền núi sinh sống tại những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá cao vẫn không chịu di dời, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn./.