Nhiều người Nhật Bản có xu hướng hiến xác phục vụ đào tạo bác sỹ

Theo thống kê của hiệp hội Tokushi Kaibo Zenkoku Rengokai, các trường hợp tình nguyện hiến xác phục vụ mục đích đào tạo đang duy trì đà tăng trung bình 8.000 người/năm trong những năm gần đây.
Nhiều người Nhật Bản có xu hướng hiến xác phục vụ đào tạo bác sỹ ảnh 1Cô Junko Hirota. (Nguồn: english.kyodonews.net)

Xu hướng hiến xác để hỗ trợ công tác đào tạo bác sỹ giải phẫu đang gia tăng đáng kể ở Nhật Bản trong những năm gần đây, trong một động thái mà các chuyên gia nhận định là sự thay đổi trong quan điểm nhìn nhận cái chết trong xã hội già hóa của đĐất nước Mặt Trời mọc.

Theo thống kê của hiệp hội Tokushi Kaibo Zenkoku Rengokai, các trường hợp tình nguyện hiến xác phục vụ mục đích đào tạo đang duy trì đà tăng trung bình 8.000 người/năm trong những năm gần đây.

Tính tới 31/3/2018, khoảng 296.000 người đã đề nghị hiến xác cho các trường đại học y khoa. Trước đó, vào năm 1985, con số này chỉ khoảng 68.000 người.

Cô Junko Hirota, 55 tuổi, một chuyên gia châm cứu trị liệu, đã đăng ký hiến tặng cơ thể của mình vài năm trước. Quyết định của Hirota đã nhen nhóm từ cách đây 25 năm, khi cô quan sát giải phẫu một cơ thể người - một phần trong khóa học đào tạo châm cứu của cô tại Đại học Y và Nha khoa Tokyo. Việc trải nghiệm trực quan những kiến thức về giải phẫu cơ thể con người thắp lên trong cô ý định muốn hiến cơ thể mình sau khi qua đời thành "một cuốn sách giáo khoa" cho người khác.

Cô Hirota chia sẻ: "Khi nhận được thẻ đăng ký hiến cơ thể, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Điều ấy mang lại cảm giác rằng khi tôi chết đi, cơ thể của tôi sẽ giống như lớp vỏ bên ngoài của một con ve sầu. Tôi sẽ rất vinh dự khi được ở trong ký ức của mọi người."

[Nhật Bản thử nghiệm nuôi cấy các cơ quan người trên động vật]

Không chỉ đối với riêng Hiroto, việc hiến tặng cơ thể sau khi qua đời cũng đang là chủ đề được quan tâm đặc biệt ở Nhật Bản - đất nước đang có tỷ lệ sinh sụt giảm trong khi dân số già hóa nhanh, dẫn tới nhiều người phải sống cô độc trong những năm cuối đời, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.

Nhiều thập kỷ trước, những cơ thể sử dụng trong nghiên cứu giải phẫu chủ yếu là các trường hợp không có gia đình và người thân hoặc những thi thể không xác định được danh tính. Khi cần thiết, các trường đại học cũng liên lạc các viện dưỡng lão để xin các thi thể của các cụ ông cụ bà vừa mất.

Việc đăng ký hiến tặng cơ thể được thực hiện tương đối đơn giản. Người có nhu cầu hiến tặng cơ thể sẽ đăng ký hiến tặng cho một trường đại học mà họ mong muốn. Khi họ qua đời, những người thân của họ sẽ liên hệ với trường đại học này để trao thi thể.

Thi thể sau đó sẽ được ướp và đặt trong kho lạnh trong khoảng ba tuần, chuẩn bị cho việc trở thành giáo cụ trực quan cho các lớp học giải phẫu. Thông thường, các lớp giải phẫu này sẽ được tiến hành trong từ 3 đến 7 tháng và do các bác sỹ được cấp phép thực hiện. Sau khi kết thúc quá trình này, trường đại học chịu trách nhiệm hỏa táng thi thể và trao trả tro cốt về gia đình của người hiến xác.

Trong trường hợp gia đình từ chối nhận lại tro cốt của người đã khuất, hoặc nếu người đăng ký hiến xác bày tỏ mong muốn "lưu lại" trường đại học, các trường đại học sẽ lưu giữ tro cốt này trong kho lưu trữ của trường.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 4.000 thi thể được sử dụng làm giáo cụ trực quan tại 98 trường đại học trên toàn Nhật Bản, tạo điều kiện cho các bác sỹ phẫu thuật trau dồi kỹ năng, đặc biệt là thao tác khó liên quan nội soi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.