Nhiều nước EU khẳng định không gửi quân tới Trung Phi

Đức cho rằng Pháp đã có những tuyên bố thái quá về mức độ mà các nước EU sẽ can thiệp vào tình hình tại Cộng hòa Trung Phi.
Lính Pháp làm nhiệm vụ trên đường phố Trung Phi. (Nguồn: AFP)

Ngày 18/12, Đức đã có phản ứng ngược với những tuyên bố trước đó của Pháp về việc các nước châu Âu sẽ hỗ trợ Pháp thực hiện các nhiệm vụ quân sự tại Cộng hòa Trung Phi.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RTL (Đức) ngày 18/12, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) của Pháp Thierry Repentin cho biết Đức và Anh sẽ gửi binh sỹ tới Cộng hòa Trung Phi để hỗ trợ Pháp.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức ngay lập tức có tuyên bố tái khẳng định Đức không gửi quân tới Cộng hòa Trung Phi và chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ hậu cần giúp quân đội Pháp.

Sự phản ứng của Đức cho thấy Pháp đã có những tuyên bố thái quá về mức độ mà các nước EU sẽ can thiệp vào tình hình tại Cộng hòa Trung Phi.

Động thái của Đức cũng phát đi tín hiệu cho thấy các nước EU sẽ khó đi đến đồng thuận, ít nhất là về tài chính cho Cộng hòa Trung Phi tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 19-20/12.

Tổng thống Pháp François Hollande mong muốn EU sẽ thảo luận thành lập một "quỹ châu Âu thường trực" để tài trợ cho các chiến dịch can thiệp khẩn cấp tại các nước gặp khủng hoảng.

Trong khi đó, Đức chủ trương thúc đẩy ý tưởng rằng các quỹ tín dụng viện trợ phát triển của châu Âu có thể được sử dụng cho mục đích huấn luyện, đào tạo và cung cấp thiết bị (trừ vũ khí) cho quân đội các nước châu Phi.

Cho đến nay, tại Trung Phi cũng như Mali, sự can thiệp của EU chỉ mang tính tình huống và theo sau sự kiện, chủ yếu ở các hỗ trợ tài chính và nhân đạo.

Tại cuộc họp hôm 17/12 mới đây tại Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng EU nêu rõ liên minh này sẵn sàng hướng tới nhiệm vụ "bình ổn" Trung Phi, tương tự như nhiệm vụ huấn luyện quân đội tại Mali sau chiến dịch can thiệp hỗn hợp Pháp-Liên minh châu Phi.

Ngoài Đức, các nước Hà Lan, Áo, Anh và Ba Lan cũng khẳng định không có ý định gửi quân đến Cộng hòa Trung Phi, trong khi Thụy Điển, Phần Lan, Hungari và Bungari đều nói rõ chưa đưa ra bất cứ quyết định nào.

Như vậy, Pháp sẽ phải tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn của các nước EU trong vấn đề Cộng hòa Trung Phi, cũng như để giải tỏa tranh cãi nội bộ Pháp về sự đơn độc của nước này trong cuộc can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Phi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục