Nhiều thanh niên có tay nghề giỏi khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

Để tiếp cận nguồn vốn vay từ các kênh Trung ương Đoàn, các đoàn viên thanh niên tỉnh Bắc Ninh gặp không ít khó khăn về thủ tục và các quy định ràng buộc liên quan.
Nhiều thanh niên có tay nghề giỏi khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ảnh 1Mô hình VAC của anh Trần Văn Quyết ở thôn Tam Sơn, xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Những năm gần đây, nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm qua kênh Trung ương Đoàn giúp không ít đoàn viên thanh niên tỉnh Bắc Ninh đầu tư phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thanh niên có tay nghề giỏi, có ý chí làm giàu đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.

Khó tiếp cận nguồn vốn

Hàng năm, Tỉnh đoàn Bắc Ninh chủ động tranh thủ nhiều nguồn vốn để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, thúc đẩy phong trào thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, trong đó có nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm từ Trung ương Đoàn (gọi tắt là nguồn vốn 120). Hiện nay, lượng vốn Trung ương Đoàn phân về tỉnh Bắc Ninh tương đối cao so với các tỉnh lân cận, tổng dư nợ vốn khoảng 3,8 tỷ đồng, tập trung phát triển 25 dự án kinh tế thanh niên, giải quyết việc làm cho 121 lao động thanh niên.

Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn vay từ các kênh Trung ương Đoàn, các đoàn viên thanh niên tỉnh Bắc Ninh gặp không ít khó khăn về thủ tục và các quy định ràng buộc liên quan. Anh Nguyễn Ngọc Cảnh (thôn Phương Mới, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) mong muốn mở rộng quy mô số lượng thỏ bố mẹ giống New Zealand từ 100 cặp lên 700 cặp, do đó anh cần thêm khoảng 300 triệu đồng tiền vốn. Sau nhiều lần làm thủ tục vay từ nguồn vốn 120, anh Cảnh không vay được bởi thiếu giấy tờ liên quan đến đề án sản xuất kinh doanh.

“Đối với thanh niên nông thôn, để thể hiện kế hoạch, lộ trình phát triển kinh tế, chứng minh tính hiệu quả cụ thể rất khó. Thậm chí, nếu có thực hiện được, tôi cũng phải đợi duyệt vài tháng, như thế cơ hội làm ăn cũng mất. Trong khi đó, nếu được vay thì mức vốn cũng chỉ đạt vài chục triệu đồng, quá ít so với nhu cầu thực tế của tôi” - anh Cảnh cho biết.

Tương tự anh Cảnh, đoàn viên thanh niên Nguyễn Đạt Phương (thôn Cáp Thủy, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cũng cần tiền mở rộng mô hình chăn nuôi dê. Tuy nhiên, do thời gian làm hồ sơ, thẩm định lâu, áp giá tài sản thế chấp thấp nên Phương không còn tha thiết với nguồn vốn này. Phương chia sẻ: “Để được vay vốn, tôi mất hơn một tháng làm thủ tục, lại phải thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi tôi ở cùng gia đình, chung hộ khẩu, sổ đỏ đứng tên bố mẹ. Nếu có đạt được các yêu cầu thì cũng chỉ được vay khoảng 100 triệu đồng. Trong khi các ngân hàng khác cũng từng đó tài sản thế chấp, tôi có thể vay được nhiều hơn, thủ tục lại nhanh gọn."

Theo anh Phạm Minh Khôi, Phó Bí thư Huyện Đoàn Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, tính đến tháng 7/2016 có 6 dự án vay vốn của thanh niên huyện Lương Tài được giải ngân với tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Con số này so với phong trào phát triển kinh tế trên toàn huyện còn khá khiêm tốn, bởi trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều thanh niên muốn được vay vốn để làm kinh tế nhưng còn gặp khó khăn về thủ tục.

Cũng theo anh Khôi, thậm chí, nếu trong gia đình, bố mẹ đã vay vốn sản xuất từ các hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… các con không được vay nữa. Nếu muốn vay chỉ có cách tách hộ nhưng điều kiện không cho phép, dẫn đến việc có nhiều thanh niên của huyện Lương Tài có phương án kinh doanh khả thi, quyết tâm làm ăn nhưng lại không được vay vốn từ các nguồn hỗ trợ thanh niên.

Nhiều thanh niên có tay nghề giỏi khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi ảnh 2Mô hình nuôi thỏ của anh Nguyễn Ngọc Cảnh ở thôn Phương Mới, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Đẩy mạnh kết nối nhu cầu về vốn

Theo quy định Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, thông qua kênh vay vốn thanh niên, mỗi người chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng. Trong khi đó, số tiền trên chỉ đủ để xây dựng chuồng trại hoặc mua con giống với số lượng nhỏ nên rất khó để thanh niên phát triển kinh tế. Muốn vay vốn từ 50 triệu đồng trở lên, đoàn viên thanh niên phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau như chứng minh tính khả quan từ mô hình kinh tế, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại, có tài sản bảo đảm thế chấp... khiến nhiều người “ngại” vay vốn. Chưa kể tới yếu tố các đoàn viên thanh niên còn trẻ, tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp nên không có tài sản giá trị để thế chấp.

Theo anh Nguyễn Đức Sâm, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, phong trào thanh niên phát triển kinh tế của thanh niên tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua khá rầm rộ, đã có những mô hình tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, còn lại đa phần là mô hình hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Bên cạnh yếu tố khách quan khắt khe từ nguồn vốn 120 phải kể tới yếu tố chủ quan khi lựa chọn ngành nghề phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên. Có thể tại thời điểm vay vốn, mô hình kinh tế của thanh niên phù hợp, tạo lợi nhuận trước mắt nhưng do biến động của thị trường, ảnh hưởng đến phát triển kinh doanh và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nguồn vốn 120. Thậm chí, có những mô hình kinh tế tiềm năng, có cơ hội phát triển nhưng chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến cũng có thể dẫn đến thất bại."

Để tháo gỡ “nút thắt” về vốn cho thanh niên Bắc Ninh trong phong trào phát triển kinh tế, những năm qua, Tỉnh đoàn Bắc Ninh nỗ lực đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, các ngân hàng, tỉnh hội với các mô hình kinh tế của thanh niên có nhu cầu về vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật. Bên cạnh đó, tạo điều kiện giúp đỡ đoàn viên thanh niên tiếp cận được nguồn vốn; tổ chức các hoạt động, chương trình tập huấn, giao lưu để mở rộng mối quan hệ và phát triển nguồn vốn; tư vấn thành lập mô hình hợp tác xã kiểu mới cho thanh niên.

Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ đề xuất xây dựng “Quỹ Khởi nghiệp” dành cho thanh niên, nhằm hỗ trợ kịp thời những mô hình, ý tưởng mới trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh hỗ trợ về vốn, quỹ còn là động lực giúp các đoàn viên, thanh niên trên toàn tỉnh tự tin hơn trong việc đề ra ý tưởng và bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Sau khi phát triển kinh tế, nguồn vốn sẽ được hoàn trả và quay vòng hỗ trợ những đoành viên thanh niên có những ý tưởng mới.

“Tuy nhiên để thực hiện được điều này, tổ chức Đoàn cần có sự quan tâm, tạo điều kiện về mặt cơ chế hỗ trợ của các cơ quan ban ngành cũng như sự tham gia chung tay của các mô hình, doanh nghiệp thành đạt, có nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ trong việc huy động và động viên các bạn có những ý tưởng, mô hình mới, muốn tham gia khởi nghiệp, từ đó giúp các thanh niên mạnh dạn làm giàu chính đáng cho bản thân tại quê hương,” anh Nguyễn Đức Sâm cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục