Theo bản tin đêm 20/8 của Đài Bắc Kinh, ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế thế giới đang gặp phải “luồng gió ngược,” khiến xu thế phát triển 6 tháng cuối năm nay không cho phép lạc quan.
Rủi ro địa-chính trị là thách thức lớn nhất mà kinh tế thế giới phải đối mặt tại thời điểm hiện nay. Trước hết là sự leo thang trừng phạt kinh tế giữa Nga và phương Tây, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cố tình tấn công toàn diện mạch máu kinh tế của Nga từ năng lượng, quân sự đến tài chính, khiến Moskva kiên quyết đáp trả bằng những biện pháp không nương tay. Việc Nga cấm nhập khẩu nông sản từ EU đã khiến người châu Âu phải hứng chịu hậu quả đau khổ từ biện pháp chống trừng phạt này.
Bên cạnh đó, Trung Đông đã bước vào thời kỳ cực kỳ rối loạn. Palestine và Israel vẫn chưa đạt hiệp định ngừng bắn lâu dài. Tại Iraq, các nhà quan sát không thể dự đoán liệu những cuộc không kích của Mỹ có loại trừ được tận gốc các nhóm vũ trang cực đoan hay không.
Rủi ro lớn thứ hai đối với nền kinh tế thế giới là tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chững lại. Giới học thuật quốc tế cuối năm 2013 từng cho rằng vòng phục hồi kinh tế của thế giới đang chuyển sang do các nền kinh tế phát triển dẫn dắt, song thực tế đang từng bước đi ngược lại nhận định này.
Theo thống kê mới đây của EU, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng euro quý 2/2014 không tăng trưởng so với quý trước. Biểu hiện của 3 nền kinh tế lớn trong khu vực là Đức, Pháp và Italy đều gây thất vọng.
Tại châu Á, nền kinh tế Nhật Bản được đánh giá tốt đã xuất hiện cú “nhào lộn” với tăng trưởng GDP quý 2/2014 giảm 6,8%, mức giảm lớn nhất kể từ sau trận động đất-sóng thần năm 2011.
Trong số các nền kinh tế phát triển, Mỹ vẫn giữ đà khá mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự ôn hòa bề ngoài của nền kinh tế lớn nhất thế giới này không thể che đậy vấn đề đằng sau. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ mới đây thừa nhận tình hình phục hồi của Mỹ và toàn cầu “khiến người ta thất vọng,” đồng thời báo hiệu sự tổn thương lâu dài.
Chưa kể, sự hoành hành của virus Ebola ở Tây Phi đã phủ bóng đen mới lên nền kinh tế toàn cầu. Việc kiểm soát căn bệnh đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này đã trở thành tiêu điểm quan tâm của cả thế giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh biến thành nỗi hoảng sợ trên toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới./.