Nhiều tranh cãi về việc miễn thuế giá trị gia tăng với phân bón

Kể từ đầu năm đến nay, quyết định miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón (kể cả phân bón nhập khẩu) đang gây nhiều tranh cãi và sự phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều tranh cãi về việc miễn thuế giá trị gia tăng với phân bón ảnh 1Đóng gói sản phẩm phân đạm tại Nhà máy Phân bón Dầu khí Cà Mau. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Kể từ đầu năm đến nay, quyết định miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón (kể cả phân bón nhập khẩu) đang gây nhiều tranh cãi và sự phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp.

Không chỉ Hiệp hội phân bón Việt Nam mà kể cả nhiều chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý Nhà nước (theo ngành dọc) dường như cùng đồng tình với quan điểm vì “được” miễn thuế nên ngành sản xuất phân bón trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo phân tích của các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội phân bón Việt Nam, khi phân bón được miễn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất sẽ không được khấu trừ khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào khi có chênh lệch. Bởi vậy, chi phí sản xuất sẽ bị đội lên, giá thành phân bón không thể giảm thấp và nông dân cũng không thể được lợi.

Ông Phùng Hà, hiện là một trong những chuyên gia ngành hóa chất nhận định, sản xuất phân bón là ngành được ưu tiên phát triển theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Toàn bộ phần thuế giá trị gia tăng đầu vào gồm các trang thiết bị, máy móc…của dự án sản xuất phân bón nếu không được khấu trừ sẽ dẫn tới tăng giá bán sản phẩm và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Điều này thực sự gây khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất và phát triển của ngành phân bón Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông Bùi Thế Chuyên bày tỏ sự lo lắng vì các doanh nghiệp phân bón phải chịu thiệt về kinh tế khi áp dụng miễn thuế giá trị gia tăng.

Tập đoàn có hai đơn vị sản xuất phân đạm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Nhà máy đạm Ninh Bình và Nhà máy đạm Hà Bắc vì phải sử dụng từ 60% đến 70% chi phí để mua than.

Ngoài ra, còn có Nhà máy DAP Đình Vũ, Nhà máy DAP Lào Cai và nhóm chế biến phân bón như Văn Điển và Ninh Bình… Ông Chuyên cho biết, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã tính toán và báo cáo lên tập đoàn về khả năng năm 2015 sẽ thiệt hại 150 tỷ đồng vì không được hoàn thuế giá trị gia tăng và số tiền này sẽ tính vào chi phí sản xuất.

Một trong những lãnh đạo cấp cao của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu Khí (PVFCCo) cho hay, do không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nên doanh nghiệp phải gánh thêm 400 tỷ đồng/năm. Số tiền không được hoàn thuế đương nhiên phải tính vào chi phí sản xuất.

Đó là lý do vì sao giá phân bón trong nước hiện nay chưa thể giảm thấp, dù doanh nghiệp luôn sẵn sàng giảm giá khi có cơ hội. Vô hình chung, miễn thuế giá trị gia tăng cho phân bón mà cả doanh nghiệp sản xuất và người nông dân tiêu thụ đều không được hưởng lợi.

Đánh giá về cục diện cạnh tranh giữa phân bón nhập khẩu và phân bón nội, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương nhận định, khi miễn thuế giá trị gia tăng đối với phân bón, thuế nhập khẩu phân bón sẽ giảm từ 11% xuống còn 6%.

Như vậy, khó khăn thấy rõ đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và có lợi đối với các doanh nghiệp nhập khẩu vì họ bán được phân bón ra thị trường với giá thấp hơn nên có thể tiêu thụ được tốt hơn. Do đó, không thể để sự mâu thuẫn về lợi ích giữa các doanh nghiệp phân bón như vậy.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị: Trước mắt các bộ, ngành và doanh nghiệp có liên quan cần xem xét việc giảm giá than, giảm giá khí để phục vụ sản xuất phân bón.

Mặt khác, đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh các văn bản luật pháp liên quan tới quy định áp thuế giá trị gia tăng 0% cho mặt hàng phân bón thay vì miễn thuế như hiện nay. Như vậy sẽ giải quyết được những vướng mắc về tăng chi phí sản xuất; giải được bài toán khó hạ giá thành phân bón nội để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nhờ đó giúp tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Phản hồi những kiến nghị từ phía các doanh nghiệp và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, phân bón nội khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu không thể “đổ lỗi” vì được miễn thuế.

Trong tương lai gần, chúng ta phải thực hiện đúng cam kết là tạo một sân chơi bình đẳng về thương mại hàng hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay, thuế nhập khẩu phân bón vẫn giữ ở mức 6% và thuế giá trị gia tăng đầu vào của ngành sản xuất phân bón trong nước vẫn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế).

Ông Thi lập luận, các kiến nghị từ doanh nghiệp phân bón chỉ mới đại diện cho khu vực sản xuất, chứ chưa tính tới cả mạng lưới thương mại, gồm các đại lý bán buôn và bán lẻ.

Thuế giá trị gia tăng là khoản thuế gián thu, nên sản phẩm phân bón được miễn thuế giá trị gia tăng, sẽ không phải chịu bất kỳ tỷ lệ phần trăm thuế nào khi đến tay người tiêu dùng.

Hơn nữa, giá thành phân bón là do quan hệ cung cầu của thị trường quyết định. Để tháo gỡ khó khăn của các ngành sản xuất, không riêng gì các doanh nghiệp phân bón, cần hướng tới những giải pháp khác chứ không chỉ trông chờ vào chính sách thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.