Nhiều trường hợp dùng giấy tờ không chính chủ để giao dịch với BHXH

Từ khoảng tháng 11/2022 đến nay, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương đã phát hiện nhiều người không phải chính chủ đến nộp hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả trong giao dịch với cơ quan Bảo hiểm Xã hội.
Nhiều trường hợp dùng giấy tờ không chính chủ để giao dịch với BHXH ảnh 1Người lao động thực hiện sinh trắc vân tay tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương. (Nguồn: Đài tiếng Nói Việt Nam)

Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương, từ khoảng tháng 11/2022 đến nay, khi áp dụng kiểm tra vân tay trên căn cước công dân gắn chip và người dân đặt lịch làm việc trực tuyến với cơ quan bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương đã phát hiện nhiều người không phải chính chủ đến nộp hồ sơ, sử dụng giấy tờ giả trong giao dịch với cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Khi thực hiện sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chip, nếu thực hiện sinh trắc thành công, cán bộ sẽ tiếp nhận hồ sơ theo quy trình. Trường hợp sinh trắc không thành công, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ xem xét và kiểm tra các giấy tờ tùy thân khác; đồng thời phối hợp cơ quan Công an để kiểm tra xác thực với dữ liệu dân cư quốc gia.

Nghi ngờ hai trường hợp sử dụng căn cước công dân giả để làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công an phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một tiến hành xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Đơn vị còn cung cấp thông tin 15 trường hợp sử dụng chứng từ giả (1 giấy chứng sinh, 14 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội) để cơ quan Công an xác minh làm rõ.

[Bình Dương: Sớm đưa tiền hỗ trợ thuê nhà đến tay người lao động]

Trong thời gian từ năm 2020-2022, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương phát hiện 962 trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác đi làm và tham gia bảo hiểm các loại.

Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tại Bình Dương có nhiều công nhân lao động, người dân từ các địa phương khác đến làm việc. Nhiều cá nhân gặp khó khăn, thiếu hiểu biết lại thấy cái lợi trước mắt mà bán hồ sơ, thông tin cá nhân cho những đơn vị trục lợi bất chính.

Để ngăn ngừa tình trạng này, Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ tăng cường thực hiện giao dịch điện tử; tăng cường triển khai các hình thức nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ thông tin quốc gia và Cổng dịch vụ công của ngành.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh tăng cường thực hiện một số tiện ích tại cơ quan bảo hiểm xã hội như đặt lịch làm việc trực tuyến với cơ quan bảo hiểm xã hội, sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chip... Qua đó nhằm phát hiện và hạn chế các trường hợp không chính chủ nộp hồ sơ, các trường hợp sử dụng căn cước công dân giả mạo trong giao dịch với cơ quan Bảo hiểm Xã hội..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục