Từ khi gia nhập WTO vào năm 2007, Chính phủ Việt Nam xác định các Hiệp định thương mại tự do sẽ là nền tảng định hướng mới cho sự phát triển và cải cách nền kinh tế Việt Nam.
Hiện nay, một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang bước vào giai đoạn thực thi được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam.
Đồng thời, góp phần tạo kết nối và hòa nhập, tăng cường khả năng hợp tác với những nền kinh tế trọng điểm, thúc đẩy kích cầu hoạt động giao thương giữa Việt Nam với nền kinh tế thế giới.
Làn sóng chuyển giao công nghệ
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lưu Duẫn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mạnh mẽ hơn trước đây và kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng không ngừng. Khi các Tập đoàn lớn trên thế giới, công ty đa quốc gia... vào Việt Nam đã mang theo máy móc, thiết bị, công nghệ cao... tạo cơ sở thúc đẩy quá trình thay đổi cũng như cải tiến hoạt động sản xuất, sản phẩm, dịch vụ tại Việt nam.
Trong bối cảnh hội nhập, môi trường kinh doanh được đổi mới tích cực, khuyến khích, ưu đãi các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, ưu tiên dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ... là tiền đề quan trọng để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng được hương ưu đãi về thuế quan, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan và các chế độ đãi ngộ khác, đã tạo điều kiện cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng thâm nhập vào thị trường thế giới.
Hiện nay, các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu chủ yếu sang thị trường các nước châu Á (chiếm 53,7% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016). Ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hội nhập kinh tế đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào những thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, EU... Bên cạnh đó, giai đoạn 2011-2015, Thành phố Hồ Chí Minh có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư hơn 6.380 dự án, tổng vốn đạt 40,86 tỷ USD.
Hội nhập giúp lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam từng bước giao lưu với nền khoa học và công nghệ thế giới, tạo thuận lợi cho sự phát triển nhanh cũng như bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, sự tham gia liên doanh, liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ với các đối tác nước ngoài mang lại cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ cao. Đồng thời, từng bước thu hẹp khoảng cách về kiến thức, kỹ năng nghiên cứu phát triển cũng như nâng cao năng lực sáng tạo, áp dụng khoa học và công nghệ, góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận trình độ quản lý chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực.
Đánh giá về lợi ích từ các FTA mà Việt Nam tham gia, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trong 10 năm qua, ngành dệt may đã đạt tăng trưởng xuất khẩu không ngừng, đạt bình quân hơn 10%/năm. Bên cạnh đó, thông qua việc tăng cường hợp tác, liên kết với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đã cải tổ được hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy ngành dệt may phát triển mạnh.
Liên kết đào tạo và thương mại
Làn sóng đầu tư nước ngoài và giá trị thương mại không tự tăng khi có các FTA, mà các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải tích cực cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể để tận dụng, khai thác những cơ hội từ các Hiệp định này. Bên cạnh đó, tham gia hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng mở ra cơ hội tiếp cận những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, nhưng ngược lại đòi hỏi các nhà sản xuất, kinh doanh phải cạnh tranh bằng chất lượng.
Khi các doanh nghiệp đến Việt Nam để cân nhắc đầu tư, kinh doanh, ông Jonathan Moreno, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay vấn đề họ quan tâm là nguồn nhân lực có chất lượng và sẵn sàng làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, một phần quan trọng trong hoạt động thúc đẩy đầu tư, thương mại ở Việt Nam của AmCham là hợp tác với các trường đại học và sinh viên để hỗ trợ phát triển sợi dây liên kết giữa giáo dục và thương mại ở Việt Nam, nhằm phát triển đội ngũ nguồn nhân lực sẵn sàng cạnh tranh ra thị trường quốc tế.
Phân tích về năng suất lao động tại Việt Nam hiện nay, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế Trưởng Ngân hàng thế giới, cho hay năng suất lao động 4%/năm, tăng chậm hơn trong khu vực, thể hiện ở những ngành đang thâm dụng lao động. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng như sản xuất sẽ được đẩy mạnh hơn nếu năng suất lao động được cải thiện trong thời gian tới, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển năng động hơn như thuế, thanh khoản, giải ngân vốn...
Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ông Sebastian Eckardt cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh việc cải thiện và tăng năng suất lao động, bởi thực tế hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp, thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Lào, Campuchia...
Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực lớn nhất của Việt Nam là con người, hàng năm có hơn một triệu bạn trẻ gia nhập lực lượng lao động, đồng thời Việt Nam đang cam kết hướng đến mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa. Trong đó, chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần cung cấp việc làm và đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam .
Trong hội nhập hiện nay, doanh nghiệp phải cạnh tranh sản phẩm bằng chất lượng và năng suất lao động. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay Thành phố xác định áp dụng khoa học công nghệ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố sống còn hiện nay. Thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực... Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển không chỉ về số lượng mà cả chất lượng, để thời gian tới thành phố có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, lực lượng lao động chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung./.