Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ thành lập Ban đại diện

Ban đại diện gồm những người đang làm việc trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam và tâm huyết thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa và giáo dục giữa hai nước.
Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ thành lập Ban đại diện ảnh 1Đại sứ Lê Linh Lan phát biểu tại buổi Lễ ra mắt Hội nhịp cầu kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ (Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ) ngày 15/5 đã chỉ định Ban đại diện gồm những người đang làm việc trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam và tâm huyết thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa và giáo dục giữa hai nước.

Ban đại diện gồm Trưởng đại diện phụ trách chung và phát triển quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); một Phó Trưởng đại diện phụ trách phát triển hợp tác với các cộng đồng doanh nghiệp và trí thức có quan hệ gắn bó với hai nước; và 2 thành viên phụ trách tổ chức sự kiện và quan hệ đối ngoại tại Việt Nam.

Tại lễ ra mắt Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ với cộng đồng trí thức Việt hồi cuối tháng Hai vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan đánh giá cao ý nghĩa của việc thành lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2021) và nhấn mạnh đây là hiệp hội đầu tiên do người Việt tại Thụy Sĩ sáng lập với mục đích kết nối giao thương giữa hai nước.

[Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam-Thụy Sĩ]

Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện lực.

Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sĩ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2019 đạt hơn 3,6 tỷ USD.

Từ năm 2012, Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu EFTA bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein chính thức đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo Đại sứ Lê Linh Lan, cơ hội và tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ thời gian tới còn rất lớn.

Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sĩ sẽ đồng hành, ủng hộ các hoạt động của Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ, đóng góp thiết thực vào việc bắc những nhịp cầu hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước.

Tại hội thảo trực tuyến Tiêu điểm Thị trường Việt Nam (Market Focus: Vietnam) do Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ phối hợp với Phòng Thương mại, Công nghiệp và Dịch vụ bang Geneva (CCIG) tổ chức hồi đầu tháng 3/2021, cũng là dịp Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ ra mắt chính thức trước cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ, Tổng giám đốc CCIG Vincent Subilia đánh giá Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ là một “đòn bẩy kinh doanh” giúp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với bang Geneva nói riêng và Thụy Sĩ nói chung.

Đi cùng những nhà sáng lập trẻ tuổi của Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ là ông Lương Văn Mỹ Thiện, người Thụy Sĩ gốc Việt có gần 30 năm làm việc cho tập đoàn Nestlé và đưa Nestlé trở lại Việt Nam hồi đầu thập niên 1990.

Là một trong những người có uy tín, đóng góp nhiều cho cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ, ông Lương Văn Mỹ Thiện là Chủ tịch danh dự và Cố vấn trưởng của Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ.

Ngoài việc chỉ định Ban đại diện tại Việt Nam, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ cũng nhất trí đề cử chuyên gia luật Phạm Sỹ Chung, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, làm Hội viên danh dự, Cố vấn về đầu tư và thương mại quốc tế của Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ. Luật gia Phạm Sỹ Chung hiện nghỉ hưu, tham gia giảng dạy luật tại các trường đại học ở Hà Nội và là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Cũng trong cuộc họp lập ban đại diện, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ đã bàn bạc về chiến lược phát triển Hội trong thời gian tới và thông qua bộ Quy tắc ứng xử nội bộ, đề cao các nguyên tắc bảo mật thông tin, sở hữu trí tuệ, sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và quản trị các mâu thuẫn lợi ích.

Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ là hiệp hội phi lợi nhuận tại Thụy Sĩ, do nhà báo Nguyễn Thị Thục (bút danh Thục Minh, nguyên Trưởng Văn phòng Singapore của Báo Thanh Niên) cùng 2 doanh nhân Thụy Sĩ gốc Việt thành lập tại thành phố Lausanne đầu năm nay.

Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ được thành lập theo quy định Bộ luật Dân sự Thụy Sĩ, trung lập về chính trị và tôn giáo. Mục đích hoạt động của Hội là thúc đẩy trao đổi, hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ và Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Với vai trò quảng bá, kết nối và hỗ trợ, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ tập trung vào các hoạt động như: thông tin cho doanh nghiệp hai nước về tiềm năng kinh tế và cơ hội kinh doanh thương mại và đầu tư của nhau bằng hình thức hội thảo, diễn đàn và các bản tin nội bộ; tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp hợp lệ nhằm giúp các doanh nghiệp thành công khi đầu tư, giao thương ở nước ngoài.

Đồng thời, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ phát triển các liên kết, tạo kênh dẫn thuận lợi cho việc hợp tác chuyển giao công nghệ và cải tiến kỹ thuật mang tính chất thương mại; Giới thiệu chuyên gia, kỹ sư lành nghề, nhân công có tay nghề và các dịch vụ thuê ngoài theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam-Thụy Sĩ sẽ tương tác góp ý vận động các cơ quan chức năng hai nước tạo môi trường kinh doanh với các điều kiện đầu tư và hoạt động tối ưu cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; Tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội nhằm hỗ trợ các mục tiêu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.