Đất nước Việt Nam hình chữ S bên bờ biển Đông trong lịch sử dựng nước và giữ nước luôn luôn phải chống chọi với thiên tai và giặc ngoại xâm, chỉ với diện tích gần 332.000 km2 nhưng hiện có tới hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ-nơi an nghỉ của hơn 1,2 triệu liệt sỹ mà đến nay (tháng 8/2020) vẫn còn hơn 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt.
Trong đó, nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) là chiếc nôi của Chiến khu D từng đi vào thi ca “Miền Đông gian lao mà anh dũng” để lại trong tôi những ký ức không bao giờ phai mờ.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Mã Đà phải đi hơn 130km về phía Bắc, trong đó có gần 20km là đường cao tốc Long Thành-Dầu Dây. Mã Đà nay là một xã thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng bậc nhất của miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Như vậy, Mã Đà cách không xa Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) nhưng hơn 45 năm về trước, nơi đây là “rừng thiêng nước độc” chỉ có đường mòn đi bộ, không có đường ôtô, đi lại rất khó khăn, thực dân Pháp rồi Mỹ-Ngụy có phương tiện chiến tranh hiện đại nhưng cũng rất khó đổ quân xuống đánh chiếm Mã Đà.
Chính vì vậy, sự tồn tại, phát triển của lực lượng cách mạng từ Chiến khu D trở thành mối đe dọa cho sự tồn tại của quân Pháp ở Nam Bộ: "Chiến khu D còn, Sài Gòn mất." Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ-Ngụy, trong đó có 2 năm 1961-1962, Trung ương Cục miền Nam đứng chân ở Chiến khu D, sau đó chuyển sang phía bắc tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia, căn cứ kháng chiến này không ngừng được mở rộng nối thông hành lang chiến lược của cách mạng cả nước, từ miền Bắc vào miền Nam.
Địa bàn Chiến khu D không chỉ là chiến trường tiêu diệt quân địch trước những cuộc hành quân tìm diệt quy mô của kẻ thù mà còn là hậu phương vững chắc cho phong trào đấu tranh cách mạng. Đây cũng là nơi tập kết các nguồn lực của cách mạng, là trạm trung chuyển sức người, sức của từ miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Từ Chiến khu D, đoàn quân giải phóng phối hợp với các mặt trận khác thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giành thắng lợi cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975 lịch sử. Từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về Mã Đà lần này không phải lội bộ như cách đây hơn 45 năm mà chúng tôi đi bằng ôtô du lịch chỉ mất 3 giờ là đến tận nơi.
Thời tiết ở Mã Đà những năm trước đây vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô, ban ngày nóng như đổ lửa nhưng đêm lạnh buốt thấu xương, sương mù giăng phủ khắp nơi, muỗi, vắt nhiều vô kể. Đặc biệt, mùa mưa thường kéo dài 5-6 tháng, từ tháng 7 đến tháng 12, mưa dai dẳng suốt ngày đêm khiến sông suối trở nên hung dữ.
Còn nhớ năm 1974, khi đó tôi mới 24 tuổi cùng một số phóng viên GP10-Thông tấn xã Giải phóng đã có dịp hành quân qua vùng đất Mã Đà đi về Bà Rịa-Vũng Tàu. Cả lúc đi và lúc về đến Mã Đà đều bị sốt rét, mỗi lần phải nằm lại điều trị tại trạm giao liên hơn chục ngày.
Thương chúng tôi bị sốt rét gầy yếu, da xanh như tàu lá, cán bộ trạm giao liên đã dùng thuốc nổ chất dẻo C4 bỏ vào vỏ lon sữa bò, cắm ngòi nổ ném xuống suối cá chết nổi vớt lên đem về nấu canh chua với ngọn non lá bứa bồi dưỡng chúng tôi sau khi cắt cơn sốt rét mau lại sức.
Cũng may, tôi cùng một số đồng đội bị sốt rét sau vài đợt điều trị tiêm thuốc quinin đều cắt cơn, coi như đã “nộp thuế rừng” vượt qua thử thách gian lao ở Mã Đà để hành quân tiếp về đơn vị công tác.
Mã Đà được mệnh danh là “cái rốn” của sốt rét, từng cướp đi sinh mạng của nhiều cán bộ, chiến sỹ. Những chỉ dẫn của cán bộ giao liên cách nay hơn 46 năm về nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi và đồng đội.
Vào những năm 1961 đến 1972, có tiểu đoàn bộ đội chủ lực phiên chế đầy đủ quân số gần 400 chiến sỹ từ miền Bắc vào, phải vừa hành quân vừa chiến đấu, đến Mã Đà bị sốt rét ác tính lại hy sinh tiếp, chỉ còn lại một đại đội hơn 100 người, có biệt danh là "Tiểu đoàn Lá Bép".
Lá Bép là một loại lá cây rừng, hay còn gọi rau nhíp mọc nhiều ở bìa rừng, nơi ẩm thấp, nấu nhừ ăn ngọt như rau ngót. Có những lúc không có gạo, phải ăn lá bép trừ bữa. Cán bộ, chiến sỹ ta khi đó "đói cơm lạt muối," chết vì sốt rét ác tính ở trong rừng làm gì có hòm ván mà chỉ bó bằng võng, tăng (áo mưa) được trang bị cho từng cá nhân rồi an táng.
Trở về Mã Đà năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đoàn cựu phóng viên GP10 được anh Trần Ngọc Tuấn, quê ở phường Bửu Long, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, từng tốt nghiệp về văn hóa du lịch Đại học Đồng Nai, là Trạm phó Trạm Kiểm lâm Trung ương cục công tác tại trạm này đã hơn chục năm và anh Nguyễn Hoàng Nam, hướng dẫn viên Trạm kiểm lâm Trung ương cục đưa chúng tôi đến thắp hương khu Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà.
Khu nghĩa trang này rộng khoảng 2,5 ha. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Mã Đà này có Bệnh xá K72. Thương bệnh binh ở khu vực chiến khu D đều đưa về đây điều trị. Những thương bệnh binh, trong đó nhiều người bị sốt rét ác tính không qua khỏi đều an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà.
Cho đến bây giờ, chúng ta cũng chưa thể biết được thống kê chính xác có bao nhiêu chiến sỹ đã nằm xuống tại vùng đất thiêng Mã Đà. Bởi có nhiều chiến sỹ hy sinh trên khắp các mặt trận miền Đông Nam Bộ được đồng đội đưa về đây chôn cất, hẹn một ngày khi đất nước toàn thắng sẽ quay lại quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ tập trung hoặc đưa các anh về với quê hương bản quán.
Thế nhưng, hết trận đánh này đến trận đánh khác, hết người này hy sinh đến người kia ngã xuống. Chiến trường ác liệt, hầu hết không có bia mộ ghi họ tên, địa chỉ liệt sỹ, có chăng chỉ khắc tên, địa chỉ vào khúc gỗ cắm xuống nhưng bom đạn cày đi xới lại, rồi mối xông, cháy rừng vào mùa khô thường xuyên xảy ra xóa hết những dấu tích.
Đến khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rất khó nhận dạng chính danh từng phần mộ liệt sỹ chôn cất ở đây. Cách đây 5 năm khi đoàn cựu phóng viên GP10 trở lại nơi đây có biển đề “Nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà” nhưng chỉ còn lại những ụ đất nhấp nhô, hầu hết chưa có tấm bia, phần mộ ghi danh các liệt sỹ.
Là người đã “nếm mật nằm gai” nơi đây, thắp ném hương tri ân, tưởng nhớ các liệt sỹ, chúng tôi xúc động rơi lệ và mong muốn tỉnh Đồng Nai và ngành thương binh xã hội quan tâm đầu tư xây dựng nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà xứng với tầm vóc “cái nôi” cách mạng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng,” trở thành điểm đến du lịch tâm linh, sinh thái, “trở về nguồn” tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong hai kháng chiến cứu nước.
Chỉ vào một phần mộ duy nhất có họ tên là liệt sỹ Nguyễn Sĩ Việt (1950-1969), quê ở Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Trung ương cục Trần Ngọc Tuấn xúc động cho biết: Gia đình liệt sỹ Nguyễn Sĩ Việt sau nhiều lần đi tìm kiếm, được nhà ngoại cảm Năm Nghĩa ở thành phố Vũng Tàu mách rằng, hiện liệt sỹ Việt đang nằm ở nghĩa trang Mã Đà nếu gia đình không đến sớm thì chỉ qua một đợt mưa nữa, xương cốt sẽ bị trôi hết, không còn gì.
Năm 2013, khi gia đình tìm đến, xác định một phần đất nằm ven bên suối chỉ còn mấy đốt ngón xương tay cùng mấy chiếc răng, còn xương phần đầu nằm dưới lòng suối, xương chân và tay lại nằm ở triền suối. Sau khi giám định ADN, hài cốt liệt sỹ Nguyễn Sĩ Việt được gia đình đưa về quê hương an táng. Gia đình liệt sỹ Việt có gửi lại một bức hình để bộ phận trông nom nghĩa trang Mã Đà tiện thắp nhang.
Từ lâu, Mã Đà đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường của các anh hùng liệt sỹ và các bậc lãnh đạo tiền bối. Những năm gần đây, Mã Đà ngày càng thu hút khách du lịch đến tham quan, chiêm bái, tri ân các anh hùng, liệt sỹ an nghỉ tại nơi đây.
Buổi trưa hôm về thăm Mã Đà, chúng tôi bắt gặp một khách du lịch nước ngoài thuê xe máy tự đi từ Thành phố Hồ Chí Minh về đây. Chúng tôi hỏi bằng tiếng Anh thì du khách này cho biết đến từ Thụy Sĩ, bày tỏ thích thú khi được đến địa chỉ du lịch sinh thái này với rừng nguyên sinh hấp dẫn.
Sau hơn 40 năm giải phóng, rừng chiến khu D đã khép tán, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của những loài cây bằng lăng, săng lẻ... đã tồn tại hàng trăm năm cao vút, tán lá phủ xanh kín Mã Đà, ẩn chứa biết bao sự sống diệu kỳ của thiên nhiên. Nhiều loại cây dược liệu quý mà chỉ có Chiến khu D mới có như cây Lành ngạnh, cây Mật Nhân (Bá bệnh)… Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ sau nếu không được giáo dục, chỉ dẫn thì có biết được rằng rừng nơi đây trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bị rải chất độc da cam/điôxin cùng bom đạn tàn phá, hủy diệt?
Chị Trần Thị Kim Dung, quê xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An được Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phân công hướng dẫn chúng tôi đi thăm “Mã Đà sơn cước” cho biết ở khu rừng này gặp khỉ, voọc và các loài rắn độc là chuyện thường xuyên. Rừng chiến khu D còn có voi, bò tót quý hiếm có tên trong Sách Đỏ của Việt Nam.
Sở dĩ còn nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm ấy là do anh em trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai cùng đồng bào dân tộc Chơ Ro có ý thức bảo tồn các loài động vật này. Người Chơ ro bản địa xưa kia cùng bộ đội Cụ Hồ đã từng lập nên những chiến công hào hùng, bất khuất, hết kháng Pháp lại đánh đuổi Mỹ-Ngụy cho đến ngày toàn thắng.
Nay họ sống tập trung tại ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, địa phận giáp ranh xã Mã Đà ven những con sông, suối. Nếp sống mới đã hiện hữu với nhiều công trình đồ sộ đang thi công và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế như: Trung tâm Du lịch sinh thái huyện Vĩnh Cửu, dự án mở rộng nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên Di tích Chiến khu D, nghĩa trang liệt sỹ Mã Đà đang hoàn chỉnh quy hoạch sẽ được đầu tư thành công viên nghĩa trang... là "địa chỉ đỏ" hấp dẫn khách đi tour du lịch tâm linh, sinh thái.
Chia tay chúng tôi, hướng dẫn viên khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai Trần Thị Kim Dung đọc mấy câu thơ tiễn biệt làm chúng tôi xao xuyến bịn rịn:
Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người quân tử lạc loài tới đây
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây mới về./.