Nhóm G20 nhất trí đẩy nhanh các mục tiêu phát triển bền vững

Việc đẩy nhanh các SDG được nhóm G20 tiến hành qua các cam kết tăng cường hợp tác đa phương; tăng quy mô các cơ chế tài trợ hỗn hợp; tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, chuyển đổi kinh tế xanh.
Nhóm G20 nhất trí đẩy nhanh các mục tiêu phát triển bền vững ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Ngày 8/9, Hội nghị Bộ trưởng Phát triển (DMM) Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bằng cách tăng cường khả năng ứng phó của các nước đang phát triển trước các cuộc khủng hoảng tương lai.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu kết thúc hội nghị được tổ chức trên đảo Bangka Belitung, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa cho biết: “DMM đã nhất trí tăng cường cam kết hợp tác đa phương nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các SDG.”

DMM nằm trong loạt hội nghị quan chức cấp cao (Sherpa) trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia và là sự tiếp nối cuộc họp Nhóm công tác phát triển (DWG) được tổ chức ngày 7-9/9 tại Bangka Belitung nhằm thảo luận về các vấn đề phát triển ở các nước đang và kém phát triển.

[G20 đồng thuận thúc đẩy kinh tế số nhằm phục hồi hậu đại dịch]

Tại DMM, các đại biểu đã hoàn tất và thống nhất 2 văn kiện gồm Lộ trình phục hồi và phục hồi mạnh mẽ hơn của G20, và Nguyên tắc G20 về tăng cường tài trợ hỗn hợp, với mục đích hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển.

Bộ trưởng Monoarfa cho hay việc đẩy nhanh các SDG có thể được tiến hành thông qua một số hình thức cam kết, như tăng cường hợp tác đa phương; tăng quy mô các cơ chế tài trợ hỗn hợp; tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và hỗ trợ tăng trưởng bền vững bằng cách khuyến khích chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh và kinh tế biển xanh.

Để hiện thực hóa các cam kết trên, các bộ trưởng phát triển G20 sẽ hợp tác với nhiều bên khác nhau, chẳng hạn như các nước đang phát triển, các tổ chức quốc tế và các ngân hàng phát triển đa phương (MDB).

Trong khi đó, việc thúc đẩy hợp tác đa phương trong lĩnh vực phát triển có thể được thực hiện dưới hình thức nghiên cứu chính sách, diễn đàn đối thoại, hợp tác Bắc-Nam, Nam-Nam, chia sẻ kiến thức và thực tiễn và các chương trình nâng cao năng lực.

Theo Bộ trưởng Monoarfa, một trong những đóng góp cụ thể của Indonesia tại hội nghị lần này là khởi xướng việc thành lập Liên minh Tài trợ hỗn hợp toàn cầu. Kết quả của DMM sẽ được trình lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 11 tới tại khu nghỉ dưỡng Bali./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.