Trong báo cáo giám sát các xu hướng đầu tư toàn cầu vừa được công bố, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) nhận định hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) thuộc các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục tăng trong năm 2013, trong khi hoạt động này từ các nền kinh tế đã phát triển lại có xu hướng đình trệ.
Theo báo cáo trên, trong năm 2013, Mỹ là nhà đầu tư hàng đầu, với 338 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản (135 tỷ USD), Trung Quốc đại lục (101 tỷ USD), Nga (95 tỷ USD) và Hong Kong (92 tỷ USD). Trong Top 20 nhà đầu tư hàng đầu thế giới, có bảy là từ các nền kinh tế đang phát triển và đang trong giai đoạn quá độ; số còn lại thuộc nhóm các nền kinh tế đã phát triển.
Năm 2013, hoạt động đầu tư của TNC từ các nền kinh tế đang phát triển tăng 4%, đạt mức cao kỷ lục 460 tỷ USD. Trong năm qua, luồng vốn từ các nước đang phát triển ở châu Á tăng 7% lên 327 tỷ USD, trong khi luồng vốn của các TNC châu Phi tăng 57% lên 21 tỷ USD, chủ yếu là từ Nam Phi và Nigeria.
Còn vốn TNC từ Mỹ Latinh và Caribbean năm 2013 lại giảm 10% xuống còn 112 tỷ USD, do vốn từ khu vực Trung và Nam Mỹ giảm tới 36%.
Mức đầu tư năm 2013 của các TNC thuộc các nền kinh tế đã phát triển không thay đổi so với năm 2012, đạt 858 tỷ USD, những vẫn thấp hơn 55% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2007. Phần vốn của nhóm này trong cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới chỉ ở mức 61%, một mức thấp lịch sử.
Tính trong phạm vi châu Âu, với 60 tỷ USD, Thụy Sĩ là nhà đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất, trong khi vốn đầu tư ra bên ngoài của các TNC từ Pháp, Đức và nước Anh sụt giảm mạnh.
Các TNC Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư bất chấp đồng yen mất giá, với vốn đầu tư tăng hơn 10% lên mức cao kỷ lục 135 tỷ USD.
UNCTAD dự báo môi trường đầu tư năm 2014 và 2015 sẽ tốt hơn, trên cơ sở triển vọng kinh tế thế giới được cải thiện và rủi ro kinh doanh giảm. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo về các nhân tố rủi ro tiềm tàng như sức phục hồi kinh tế không đồng đều, tăng trưởng kinh tế yếu tại EU và một số thị trường mới nổi, cũng như những rủi ro do chính sách bấp bênh và các cuộc xung đột ở khu vực./.