Nhóm Visegrad nhất trí về cách thức phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Bộ trưởng Tài chính các nước V4 chia sẻ quan điểm về quỹ phục hồi 750 triệu euro của Liên minh châu Âu (EU), trong đó đặt mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng của châu Âu thời kỳ hậu COVID-19.
Nhóm Visegrad nhất trí về cách thức phục hồi kinh tế hậu COVID-19 ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihály Varga tham gia cuộc họp trực tuyến. (Nguồn: koronavirus.gov.hu)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, nhật báo Hungary dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước này Mihály Varga, cho biết Nhóm Visegrad (V4 gồm Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan) đã đặt mục tiêu trở thành động lực tăng trưởng của châu Âu trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Tuyên bố trên được ông Varga đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp trực tuyến ngày 15/4 giữa các bộ trưởng Tài chính V4, nhấn mạnh các nước V4 chia sẻ quan điểm chung về các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế, tuân thủ các quy tắc tài chính và đảm bảo việc làm trong giai đoạn sau dịch COVID-19.

Cũng tại cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính các nước V4 đã chia sẻ quan điểm về quỹ phục hồi trị giá 750 triệu euro (900 triệu USD) của Liên minh châu Âu (EU), trong đó nhất trí cho rằng cả 4 nước phải đối mặt với thách thức chung liên quan tới việc xây dựng kế hoạch phục hồi và đàm phán với Ủy ban châu Âu (EC).

Hiện 4 nước đang tập trung nỗ lực nhằm khôi phục các lĩnh vực giáo dục, y tế, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, số hóa, vận tải và việc làm.

Bên cạnh vấn đề quỹ của EU, Bộ trưởng Tài chính các nước V4 đã thảo luận về dự thảo luật của EU liên quan tới các hoạt động kinh tế đảm bảo tính môi trường bền vững. Đặc biệt, các nước V4 đã thông qua một bức thư chung gửi EC bày tỏ quan ngại về việc dự thảo luật này không đề cập tới vấn đề năng lượng hạt nhân cũng như không công nhận vai trò của khí đốt tự nhiên trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

[Nhóm Visegrad kêu gọi phân bổ công bằng quỹ phục hồi kinh tế EU]

Trong khi đó, tại Cộng hòa Séc, theo phóng viên TTXVN tại Praha, trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức hồi đầu tháng 4 vừa qua, tân Thủ tướng Slovakia Eduard Heger đã tiến hành hội đàm với người đồng cấp Séc Andrej Babis, trong đó tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19 và sự hợp tác của V4.

Phát biểu họp báo sau khi kết thúc hội đàm, Thủ tướng Babis đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước láng giềng Trung Âu thể hiện qua việc hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cảm ơn Slovakia đã viện trợ cho Séc 10.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm Moderna. 

Về phần mình, Thủ tướng Heger nhấn mạnh vaccine là giải pháp quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, do đó điều quan trọng là cần thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng ở từng quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như của cả khối.

Đáng chú ý, thủ tướng hai nước đánh giá cao vai trò của lực lượng quân đội mỗi nước trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như trong việc thực thi các sứ mệnh chung ở nước ngoài như tại Afghanistan, Mali.

Về hợp tác V4, hai thủ tướng nhất trí tăng cường cơ chế hợp tác V4. Theo Thủ tướng Slovakia, V4 là diễn đàn quan trọng để tăng cường hợp tác về các vấn đề cả 4 nước đồng quan điểm.

Trong khi đó, Thủ tướng Séc nhấn mạnh hai nước chia sẻ quan điểm chung về tầm quan trọng của hợp tác V4 đối với chương trình nghị sự của EU, tương lai và chính sách đối ngoại của EU, Hội đồng châu Âu. 

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Séc, Thủ tướng Heger đã chào xã giao Tổng thống Séc Milos Zeman, đồng thời có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.