Hàng "second-hand" - những sản phẩm đã qua sử dụng - không còn là khái niệm mới mẻ với người tiêu dùng. Tuy nhiên sau đại dịch COVID-19 và giai đoạn hồi phục kinh tế, thị trường các sản phẩm đồ cũ dần trở thành lựa chọn mua sắm của nhiều người và đặc biệt nở rộ trên các trang mạng xã hội.
Khảo sát trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok..., mọi mặt hàng "đồ cũ" đều được trao đổi, mua bán nhộn nhịp: từ thời trang, gia dụng, sản phẩm công nghệ đến các loại đồ dùng cá nhân...
[Cẩn trọng với máy đo nồng độ cồn 'trôi nổi' trên các chợ mạng]
Chị Hoàng Lộc, người dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết nếu trước đây chị thường chọn mua quần áo với giá rẻ từ 200.000 đến 300.000 đồng/chiếc thì nay đã chấp nhận mua những món đồ có thương hiệu, giá cao hơn nhưng có khả năng "thu hồi vốn" sau khi sử dụng một thời gian.
"Sản phẩm có chất lượng tốt hơn thì khả năng bán lại cũng dễ dàng hơn. 'Cũ người mới ta' là tâm lý của nhiều chị em khi mua sắm, nhiều bộ quần áo không hợp gu của mình nhưng sẽ vừa mắt người khác. Quan trọng là các sản phẩm thanh lý sẽ có giá rẻ hơn nhiều so với hàng mới, giúp tủ đồ của chị em được cập nhật liên tục và chi phí cho sở thích mua sắm cũng đỡ tốn kém hơn," chị Lộc chia sẻ.
Không chỉ phủ sóng các mặt hàng thời trang, "chợ đồ cũ" còn tập hợp nhiều ngành hàng đa dạng như sản phẩm công nghệ, đồ gia dụng đến các loại sản phẩm phục vụ sở thích cá nhân như đồ trang trí, cây cảnh... Không khó để tìm kiếm những hội nhóm có tới hàng trăm nghìn người tham gia trên các mạng xã hội, với hàng chục bài đăng trao đổi, mua bán mỗi ngày.
Thường xuyên mua sắm các loại linh kiện điện tử trong mục "Rao vặt" trên website Chợ tốt, anh Đỗ Mạnh Quân, kinh doanh đồ điện tử cửa hàng 67 Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết các sản phẩm điện tử cũ như card màn hình, thẻ nhớ, pin điện thoại-máy tính... có thể được tìm thấy nhanh chóng và dễ dàng trên các trang mạng và được bán với mức giá phù hợp với túi tiền.
Sức ảnh hưởng của mạng xã hội giúp các hội nhóm buôn bán đồ cũ thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng hơn, khi giờ đây người mua không cần quá "thắt lưng buộc bụng" mà vẫn có thể duy trì sở thích mua sắm của mình với một mức phí hợp lý. Trao đổi đồ cũ cũng tạo điều kiện để người mua thanh lý lại những món đồ họ mua mới nhưng không vừa, hoặc không còn nhu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn cần "note" lại một số điểm đáng lưu ý khi mua đồ "second-hand": Sản phẩm đã qua sử dụng có thể bị hư hại ở một vài chỗ hoặc không được vệ sinh sạch sẽ. Tuy không phải vấn đề quá lớn nhưng các lỗi này cũng sẽ mang lại trải nghiệm không thoải mái cho người mua. Ngoài ra, đối với các sản phẩm được gắn mác "chính hãng" đến từ những thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel...,hoặc hàng "limited" được rao bán với mức giá rẻ thì người tiêu dùng cần kiểm tra và "soi" các thông tin thật cẩn thận để tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng./.